MyGo và Voso cản đà tăng trưởng của Viettel Post?

2019 là một năm khá đặc biệt của Viettel Post (UPCoM: VTP) khi hãng này cùng lúc ra mắt hai nền tảng mới, khép kín hệ sinh thái bao gồm MyGo và sàn thương mại điện tử mua bán hàng hóa trực tuyến Voso.
 

Tiền thân là Trung tâm phát hành báo chí được thành lập năm 1997, với chức năng hoạt động ban đầu là phục vụ các cơ quan quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng, đến năm 2006, Viettel Post chuyển đổi mô hình hạch toán phụ thuộc sang hạch toán độc lập thành Công ty TNHH NN MTV Bưu chính Viettel.

Quy mô và lợi nhuận thu về khởi sắc từ sau IPO

Đến năm 2009, Viettel Post được thành lập và chính thức được IPO, với vốn điều lệ 60 tỷ đồng, bắt đầu mở rộng thị trường sang Campuchia. Với hoạt động chính là dịch vụ chuyển phát bưu chính, sau 10 năm hoạt động, Viettel Post đã đạt được những thành công lớn tại lĩnh vực này.

Từ quy mô hoạt động mang tính phục vụ nội bộ, Viettel Post đã nhanh chóng mở rộng số lượng điểm giao dịch lớn. Đây là yếu tố giúp Tổng công ty sớm chiếm được thị phần cao trong lĩnh vực chuyển phát, vốn nằm trong tay của Bưu chính Việt Nam (VNPost). Cụ thể, nếu năm 2010, thị phần của Viettel Post đạt 8%, thì sang năm 2016, 2017, con số này lần lượt là 21% và 26%.

Năm 2015, vốn điều lệ của Viettel Post bắt đầu tăng nhẹ nhờ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:15. Đến năm 2016, vốn điều lệ của Viettel Post tăng lên gần 182 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 30% và chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100:137.

Hiện tại, vốn điều lệ của Viettel Post đã tăng lên gần 414 tỷ đồng, nhờ 3 lần chia cổ tức bằng cổ phiếu được thực hiện liên tiếp từ năm 2016 đến năm 2018.

MyGo va Voso can da tang truong cua Viettel Post?
 Các chỉ số tài chính của Viettel Post trong 4 năm qua.

Kết quả kinh doanh của Viettel Post trong 4 năm gần đây tăng trưởng ấn tượng, doanh thu thuần tăng gấp 2,7 lần từ gần 3.000 tỷ vào năm 2016 lên hơn 7.800 tỷ vào năm 2019. Lãi ròng tăng gấp 3,4 lần từ hơn 110 tỷ đồng lên 380 tỷ đồng.

Cơ cấu nguồn vốn cũng được phóng to, quy mô tài sản tăng từ 1.075 tỷ đồng lên gần 3.400 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả tăng 714 tỷ đồng lên 2.426 tỷ đồng vào ngày cuối năm 2019.

Quý 1/2020, biên lãi gộp mảng cốt lõi giảm đáng kể, nợ vay chiếm đến 70% vốn

Tuy mức doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng qua từng năm nhưng điều đáng lo ngại nhất ở Viettel Post đó là biên lãi gộp sau khi Công ty lấn sân sang MyGo và Voso.

Minh chứng mới đây nhất là trong kết quả kinh doanh quý 1, doanh thu của Viettel Post đạt 2.460 tỷ đồng, tăng 84% và lợi nhuận sau thuế đạt 97 tỷ đồng, tăng 26% so với quý 1/2019.

Dù doanh thu tăng trưởng cao, song phần tăng doanh thu chủ yếu là mảng thương mại ngoài cốt lõi, vốn có biên lợi nhuận rất thấp. Cụ thể, doanh thu bán hàng tăng gấp gần 7 lần lên 1.076 tỷ đồng nhưng chỉ đóng góp 8 tỷ đồng lãi gộp.

Trong khi đó, doanh thu từ mảng kinh doanh cốt lõi là dịch vụ (90% là dịch vụ giao nhận) của Viettel Post chỉ tăng 17% lên 1.384 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức 47% ghi nhận trong quý 1 năm ngoái.

Sự chững lại này có thể đến từ những gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 đã tạm thời ảnh hưởng đến lượng hàng hóa, và tương ứng là lượng giao nhận thương mại điện tử, cũng như tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến thu nhập người tiêu dùng và tương ứng là chi tiêu. Các yếu tố này đã phần nào che mờ việc gia tăng mua sắm online do dịch COVID-19.

Không chỉ giảm tăng trưởng, biên lợi nhuận gộp mảng dịch vụ cũng giảm so với cùng kỳ 2019, xuống còn 12,5% trong quý 1 năm nay. Ở mảng kinh doanh hàng hóa, con số này chỉ xấp xỉ 0,74%. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến biên lãi gộp của Viettel Post chỉ đạt 7,32%, trong khi cùng kỳ là 11,34%.

Đặc thù ngành chuyển phát cũng yêu cầu hãng trữ sẵn lượng tiền lớn phục vụ cho các giao dịch giao hàng thu tiền do vậy chiếm tỷ trọng lớn nhất nguồn vốn của ViettelPost là các khoản tiền gửi ngắn hạn trên 3 tháng gần 1.293 tỷ đồng.

Nguồn vốn chính của Viettel Post hiện vẫn là từ vay nợ. Tỷ lệ nợ lên đến 71%, chiếm hơn 2.600 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn.

Nhiều rủi ro

Lợi nhuận cao, hoạt động dự báo tăng trưởng mạnh nhờ bùng nổ thương mại điện tử… tuy vậy vẫn có nhiều vấn đề mà Viettel Post phải đối mặt.

Đầu tiên là sức ép cạnh tranh đang ngày một lớn. Khi thương mại điện tử bùng nổ, miếng bánh chuyển phát hàng hóa vì thế trở nên hấp dẫn hơn và theo quy luật thị trường, nơi nào có lợi nhuận lớn, nơi đó thu hút dòng tiền.

Không khó để thấy, ngay phía sau Viettel Post là những cái tên tuổi khá quen thuộc như DHL, EMS, Grab, Lazada, Giao hàng nhanh… là những dịch vụ khá quen mặt với người tiêu dùng. Trong khi đó, lợi thế lớn nhất mà Viettel Post có là trải nghiệm khách hàng và uy tín thương hiệu Viettel.

Sức ép cạnh tranh từ các đối thủ đã và đang xuất hiện là điều không thể tránh khỏi, Viettel Post sẽ phải đối mặt với câu chuyện bài toán nguồn nhân lực và sức ép chi phí nhân lực khi quy mô hoạt động tiếp tục tăng trưởng.

MyGo va Voso can da tang truong cua Viettel Post?-Hinh-2
 Gánh nặng chi phí, đối thủ cạnh tranh là những rủi ro của Viettel Post.

MyGo được xây dựng trước hết để phụ trách mảng giao hàng cuối của Viettel Post. Công ty sẽ phân chia rõ ràng 2 khối đảm nhận 2 công việc khác nhau: (1) Nhân viên bán hàng của Viettel Post phụ trách việc tìm kiếm nguồn hàng mới (thay vì vừa giao hàng vừa tìm nguồn hàng) và (2) Đối tác MyGo phụ trách việc giao hàng cho Viettel Post.

Các đối tác MyGo đang phụ trách vận chuyển 20% sản lượng đơn hàng của Viettel Post (tỷ lệ này là 12% vào T8/2019) và dự kiến sẽ nâng dần lên mức 70% sản lượng đơn hàng. Số lượng tài xế của MyGo đạt 120 nghìn người, với tỷ lệ active đạt 80%.

Tài xế của MyGo sẽ thay thế cho số lượng nhân viên bán thời gian được Viettel Post thuê phục vụ cho nhu cầu giao hàng. Đồng thời, công ty cũng sẽ tiến hành ký hợp đồng lao động với một số tài xế (được hưởng lương cứng, khen thưởng cũng như bảo hiểm xã hội theo cấp bậc lương của Viettel Post).

Công ty Chứng khoán Ngân hàng đầu tư Việt Nam (BSC) cho rằng điều này sẽ khiến tổng mức lương chi trả của Viettel Post sẽ tăng trong thời gian tới, do chi phí chi trả cho tài xế MyGo cao hơn chi phí trả cho nhân viên giao hàng bán thời gian.

Trong khi đó, Voso được xây dựng không để cạnh tranh với các sàn Thương mại điện tử khác. Voso sẽ là một nhân tố để khép kín hệ sinh thái của Viettel Post, hỗ trợ cho các khách hàng của Viettel Post có một hệ thống nền tảng buôn bán mà không phải phụ thuộc vào bên thứ 3, hoàn thiện chuỗi cung ứng và phục vụ khách hàng.

Công ty cũng sẽ không tiêu tốn chi phí vào Voso như các sàn Thương mại điện tử khác. Hiện tại, Viettel Post không thu phí trong năm nay và có thể kéo dài sang năm sau nhằm thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm.

Ngoài ra, trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết với diễn biến kết quả kinh doanh thấp hơn dự báo trong quý 1 và các gián đoạn mạnh hơn dự kiến của dịch COVID-19 vốn sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng mua sắm online phổ biến như may mặc và điện tử có thể mang lại rủi ro cho hoạt động của Viettel Post. 

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN