Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, TPB) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông ngày 27/5 sắp tới.
Theo đó, nhận định năm 2020, thị trường tài chính - tiền tệ cũng chịu tác động mạnh của cú sốc suy thoái kinh tế bởi hậu quả của đại dịch COVID-19 và biến động của giá dầu giảm sâu xuống mức âm trong phiên ngày 20/4.
Chính phủ các nước đều đồng loạt nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ, như giảm lãi suất điều hành, áp dụng các gói tài chính tiền tệ để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh và ổn định kinh tế xã hội.
Trước tình hình đó, TPBank lên kế hoạch tổng tài sản tăng 9% lên mức 180.000 tỷ đồng, hoàn thành tăng vốn lên 10.199 tỷ đồng.
Tổng huy động 158.835 tỷ đồng, tăng 7%, trong đó riêng tiền gửi khách hàng tăng 15% lên 122.681 tỷ đồng. Cho vay khách hàng 105.181 tỷ đồng, tăng 9%. Tỷ lệ nợ xấu cho vay dưới 2,5%. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 4.068 tỷ đồng, tăng 5% so năm 2019.
|
Kết hoạch 2020 của TPBank |
Riêng trong quý 1/2020, TPBank đạt lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt 1,009 tỷ đồng và 809 tỷ đồng, tăng 18% và 19% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng lên mức 1.87%.
Năm 2019 tăng vốn lên 10.199 tỷ đồng thất bại, chuyển sang cho năm 2020
TPBank cho biết, hiện đang hoàn thiện các thủ tục với Ngân hàng Nhà nước và đàm phán với đối tác để cơ cấu lại một công ty tài chính đang chịu sự kiểm soát đặc biệt của NHNN, qua đó cơ cấu lại thành công ty con. Kế hoạch này hiện đang chậm so với tiến độ kỳ vọng do một số thay đổi về quy định của NHNN và các cơ quan liên quan khác.
Cũng trong năm qua, TPBank triển khai kế hoạch tăng vốn từ 8.566 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ nhằm tăng năng lực tài chính.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 22.250 đồng/cp.
Tuy nhiên do việc kêu gọi nhà đầu tư trong nước gặp một số khó khăn do tác động của thị trường chứng khoán, vì thế dự kiến phương án sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn và triển khai trong năm 2020.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/5, cổ phiếu TPB đóng cửa tại mức 21.850 đồng/cổ phiếu, ghi nhận giảm hơn 6% trong vòng 1 năm qua. Như vậy liệu sự sụt giảm của cổ phiếu TPB có làm kế hoạch tăng vốn của nhà băng này tiếp tục thất bại?
Ngược lại, trong năm qua, TPBank lại hoàn thành việc góp vốn, mua 3.96 triệu cổ phần của CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) với tỷ lệ 9,9%.
TPBank đã hoàn thành sớm việc mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC tương đương với 756,5 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu, đồng thời trích lập đầy đủ dự phòng và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ này.
Trong năm 2019, tiền gửi khách hàng của TPBank tăng 22% so với năm 2018 khi đạt 106.865 tỷ đồng. Cho vay khách hàng 96.694 tỷ, tăng 18%. Tỷ lệ nợ xấu 1,28%, tăng so mức 1,09% của năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.868 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch đề ra.
Với kết quả đó, TPBank dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu cho cổ đông.
Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), chất lượng tín dụng nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi khoản vay không có tài sản đảm bảo gia tăng trong năm 2020.
Cho đến cuối năm 2019, cho vay mua ôtô là nguyên nhân chính cho mức tăng trong nợ xấu; tuy nhiên, trong tương lai, VCSC ghi nhận mức tăng của khoản vay không có tài sản đảm bảo tại ngân hàng (chiếm 7,2% dự nợ vay 2019 từ mức 3,3% trong năm 2017) là yếu tố ảnh hưởng đến mức tăng trong nợ xấu.