Cứ đến ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch), nhiều người lại đổ xô xếp hàng đi mua vàng cầu may, bày mâm cúng vía Thần Tài mong muốn một năm phát tài, phát lộc, hanh thông đường tài lộc.
Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao lại có ngày Thần Tài, thì đa phần người đi mua vàng, bày mâm cúng vía Thần Tài lại "không rõ lắm về nguồn gốc ngày này"..
|
Cúng vía Thần Tài và mua vàng lấy may ngày Thần Tài (10 tháng Giêng âm lịch) là phong tục phổ biến tại Việt Nam, nhưng không phải ai cũng rõ về nguồn gốc của ngày này. |
Nguồn gốc ngày Thần Tài và tục mua vàng lấy may ngày vía Thần Tài
Theo các chuyên gia, tục mua bán vàng và cúng vía Thần Tài trước đây chỉ lan truyền trong một bộ phận nhỏ thương nhân, giới kinh doanh gốc Hoa tại Sài Gòn.
Chỉ từ khoảng gần 10 năm nay, việc mua vàng lấy may ngày Thần Tài mới phổ biến rộng rãi ra mọi tầng lớp người dân, và bắt đầu từ những tỉnh, thành khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, rồi lan ra khắp mọi vùng miền.
Nhiều nghiên cứu cho rằng ngày Thần Tài trước hết bắt nguồn từ tục thờ Thần Tài phát xuất từ Trung Quốc. Tục thờ vị Thần nắm giữ tài lộc này sau đó xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XX.
Thậm chí, có hẳn một câu chuyện giải thích về nguồn gốc ra đời của tục thờ cúng Thần Tài vào ngày 10 tháng Giêng được lưu truyền trong dân gian.
Chuyện kể rằng, dưới trần gian không có Thần tài, chỉ có Thần tài trên trời, cai quản tiền bạc, tài lộc. Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần tài say quá nên rơi xuống trần gian. Khi Thần tài vào nhà nào xin ăn thì nhà đó giàu có, buôn may bán đắt…
Đến ngày mùng 10 tháng Giêng thì Thần tài bay về trời. Để tưởng nhớ ngài, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần tài để thờ cúng vật phẩm và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm, đặc biệt là ở những gia đình kinh doanh, buôn bán.
Sự tích này đã đi vào quan niệm của nhiều người, trở thành một tín ngưỡng dân gian nên cứ ngày này, nhiều gia đình, đặc biệt là những người làm kinh doanh lại sắm lễ vật để cúng lấy vía, cầu xin làm ăn thuận lợi, phát đạt, thịnh vượng về tài lộc, thuận buồm xuôi gió trong cả năm.
Tại Việt Nam, nhất là các tỉnh Nam Bộ, Thần Tài được thờ phổ biến trong các gia đình. Ông là một vị thần của tín ngưỡng dân gian Việt Nam hay cũng có thể nói là một vị gia thần của người Việt.
Cảnh tượng người dân Hà Nội và TP HCM đổ xô xếp hàng dài cả cây số từ sớm tinh mơ để mua vàng không còn xa lạ. Chưa kể không chỉ có người làm kinh doanh, buôn bán mà cả những đối tượng khác như công chức, dân văn phòng… cũng mua vàng.
|
Vào ngày vía Thần Tài 10/1 Âm lịch, cảnh chen chúc, xếp hàng mua vàng lấy may thường được thấy tại các tiệm vàng, đặc biệt là các tiệm vàng lớn. |
Cúng vía Thần Tài: Không nhất thiết phải là vàng!
Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, nhà sáng lập trường Doanh nhân BizLight cho rằng, không nhất thiết phải cúng bằng vàng, cá lóc, heo quay mới may mắn. “Cúng vía Thần tài có thể bằng một đĩa trái cây hay bất kể gì cũng được.
Vấn đề là lòng tin, niềm tin của mình như thế nào, đừng để niềm tin đâm ra lệch lạc”, ông nói. Thậm chí, ông cho rằng thay vì mua vàng trong ngày Thần Tài, có thể mua trước đó vài ngày để tránh tình trạng xếp hàng, quá tải.
Ông Tín cũng nói thêm, việc mua vàng ngày vía Thần Tài, không chỉ về vấn đề tín ngưỡng, vàng chính là tài sản. Nhưng theo ông cần tránh tình trạng đầu cơ vàng. “Mua để dành thì được chứ mua hôm nay, bán ngày mai, hẳn nhiên, giá vàng xuống thì bị lỗ”, ông nói.