Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, sáng ngày 7/7 Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.
Giải pháp cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng của 3 tổ chức tín dụng trên nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý 3/2021.
|
Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa). |
Về sức khỏe tài chính 3 ngân hàng “bơm” 4.000 tỷ cứu Vietnam Airline đều ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc với mức lợi nhuận kỷ lục trong 3 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể, kết thúc quý 1/2021, lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt 698,3 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản của SeABank đạt 184.302 tỷ đồng, tăng 24%.
Tiền gửi khách hàng đạt 115.198 tỷ đồng, tăng 16,8%; Cho vay khách hàng cũng tăng 14,3% so với cùng kỳ, đạt 111.050 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng thu thuần từ hoạt động kinh doanh (TOI) của Ngân hàng cũng đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 48% và Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 40,8% so với mức 52,9% cùng kỳ năm 2020.
|
MSB đạt được kết quả kinh doanh khởi sắc ngay trong quý 1/2021. (Ảnh minh họa). |
Trong khi đó, MSB đạt được kết quả kinh doanh khởi sắc ngay trong quý đầu năm. Cụ thể, trong quý 1/2021, nhà băng này đã ghi nhận tổng doanh thu thuần hơn 2.064 tỷ đồng, tăng 63,4% so với cùng kỳ. Trong khi, thu nhập lãi thuần đạt 1.419 tỷ đồng, tăng 58,8% và đóng góp 68,7% tổng doanh thu thuần của MSB.
Từ những tăng trưởng tích cực, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.147 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 35% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Tại ngày 31/3/2021, Ngân hàng chưa ghi nhận khoản thu nhập phí từ việc ký kết hợp đồng bảo hiểm với Prudential. Đây cũng là quý kinh doanh có lợi nhuận cao nhất của ngân hàng trong nhiều năm qua.
Đến cuối tháng 3, tiền gửi của khách hàng tại MSB đạt khoảng 91.800 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm và tăng 12,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 15,88% so với đầu năm và tăng 68,68% so với cùng kỳ năm trước, đạt 29.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,34% trong tổng tiền gửi.
Tăng trưởng tín dụng quý đầu năm cũng đạt 10,49%, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển dài hạn và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch như y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo…
Riêng SHB, trong 3 tháng đầu năm nay, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 2.225,8 tỷ đồng, tăng 32,2% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng lần lượt 13,2% và 19,2% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 126,5 tỷ đồng và 53,5 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm nay, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của SHB ghi nhận khoản lãi lên tới 51,8 tỷ đồng, cao gấp hơn 27 lần so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác của nhà băng này cũng tăng gấp 16 lần lên đạt 94,8 tỷ đồng. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2021 của SHB đạt hơn 2.554 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt khác, chi phí hoạt động trong quý 1/2021 của SHB là 890,6 tỷ đồng, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả, trong 3 tháng đầu năm 2021, SHB đã ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế đạt 1.330 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ năm trước.