Bất chấp sự sụt giảm cả về sản lượng tiêu thụ khí khô (-26% svck) và sản lượng LPG (-10% svck) trong Q3/21 do sự bùng phát của biến thể Delta, doanh thu Q3/21 của GAS vẫn tăng trưởng 16,3% svck lên 18.543 tỷ đồng chủ yếu nhờ giá năng lượng tăng vọt, trong đó giá dầu FO Singapore và giá LPG tham chiếu lần lượt tăng 66,1% svck và 82,4% svck.
Theo đó, GAS công bố LN ròng Q3/21 tăng 19,5% svck lên 2.417 tỷ đồng nhờ việc tiết giảm chi phí bán hàng (-8,7% svck) giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm thu nhập thuần từ hoạt động tài chính (-19,1% svck).
Trong 9T21, GAS ghi nhận LN ròng tăng 9,5% svck lên 6.709 tỷ đồng, hoàn thành 64,3% dự báo cả năm của VNDirect.
Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên đang thiếu hụt dẫn đến giá khí đốt tăng cao trên toàn cầu, dầu thô sẽ được xem như một trong những giải pháp thay thế khả thi nhất.
VNDirect kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng giá tiềm năng cho thị trường dầu mỏ cho đến năm sau. Trong khi đó, OPEC+ vẫn thận trọng trong các quyết định của mình, duy trì mức tăng sản lượng chậm và ổn định. Do đó, VNDirect nâng giả định giá dầu Brent trung bình năm 2021-23 lên lần lượt là 72-78-75 USD/thùng.
Triển vọng tăng trưởng khả quan trong hai năm tới
VNDirect giảm 8,8% dự phóng EPS 2021 để phản ánh tốc độ phục hồi chậm hơn dự kiến trong 9T21 do biến thể Delta đã ảnh hưởng đến sản lượng bán khí khô cho các nhà máy điện.
Tuy nhiên, VNDirect vẫn lạc quan về triển vọng của GAS trong 2021-23, đặc biệt là khi sản lượng tiêu thụ khí khô dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2022 kết hợp với môi trường giá năng lượng cao.
Nhìn chung, kỳ vọng LN ròng của GAS sẽ tăng 21,2% svck trong năm 2021, sau đó tiếp tục tăng trưởng lần lượt là 25,1%/10,9% svck trong năm 2022-23.
Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 130.800 đồng
Hiện giá dầu Brent được giao dịch ở mức trên 85 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Theo VNDirect, giá dầu có thể tiếp tục xu hướng tăng cho đến năm sau do nguồn cung từ cả Mỹ và OPEC+ đều phản ứng chậm chạp để đáp ứng nhu cầu dầu thô phục hồi mạnh mẽ, giúp nâng cao tâm lý thị trường đối với giá cổ phiếu các doanh nghiệp dầu khí như GAS.
Hơn nữa, kho cảng LNG Thị Vải dự kiến đi vào hoạt động nửa cuối 2022 sẽ bù đắp một phần cho sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ khí hiện hữu, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam sau đại dịch (với mức tăng trưởng kép là 8,1% trong giai đoạn 2021-30). Đây đánh dấu là dự án liên quan đến LNG đầu tiên đi vào vận hành tại Việt Nam, giúp đảm bảo sự tăng trưởng của công ty trong những năm tới.
Do đó, VNDirect nâng P/E mục tiêu 2022 từ 17,3x lên 21,4x (+1 độ lệch chuẩn sv. P/E trung bình 4 năm) cũng như điều chỉnh giảm hệ số beta cổ phiếu từ 1,1x xuống 1,0x (dựa trên số liệu ước tính 1 năm của Bloomberg).
Các điều chỉnh của VNDirect giúp làm mờ tác động của việc giảm dự phóng EPS 2021, dẫn đến mức giá mục tiêu cao hơn là 130.800 đồng (+19% so với báo cáo trước đó).
Giá mục tiêu của VNDirect vẫn dựa trên tỷ trọng tương đương của 2 phương pháp DCF và định giá P/E. Do đó, VNDirect duy trì khuyến nghị Khả quan đối với GAS.