Mối đe dọa mới với Thế giới Di động

Giai đoạn tăng trưởng vàng của Thế giới Di động đã đi qua và thời gian tới, công ty phải “năng nhặt chặt bị”, đồng thời tìm cách ứng phó với những mối đe dọa mới.
Đồng loạt thoái vốn
Ông Trần Kinh Doanh, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) đã hoàn tất bán ra 554.320 cổ phiếu MWG. Sau giao dịch, ông Doanh còn sở hữu 2 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 0,63%. Giá bán ra của ông Doanh không được công bố, nhưng tạm tính theo mức giá bình quân giai đoạn này, thì ông thu về khoảng 67 tỷ đồng. Sau khi Thế giới Di động thâu tóm Trần Anh, ông Doanh được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Trần Anh nhiệm kỳ 2018-2022.
 Thế giới Di động đã đón đầu xu thế của thị trường điện thoại tại Việt Nam để đầu tư mạnh và phát triển.
Từ đầu năm 2017 đến nay, không chỉ ông Trần Kinh Doanh, mà ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc tài chính Thế giới Di động cũng đăng ký bán bớt 8.000 cổ phiếu trong số 158.008 cổ phiếu sở hữu, song không thành công do thị trường không thuận lợi. Ngay sau đó, ông Linh đã tiếp tục đăng ký bán ra 12.000 cổ phiếu để giải quyết nhu cầu cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện khớp lệnh trên sàn từ ngày 21/2 đến 22/3/2018.
Bên cạnh đó, ông Trần Huy Đông, anh trai ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng ban Kiểm soát Thế giới Di động cũng đăng ký bán bớt 10.000 cổ phiếu. Về phía các cổ đông nước ngoài, sau Mekong Enterprise Fund II, đến lượt CDH Electric thoái hết vốn tại Thế giới Di động trước kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất. “Họ sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng khó có thể tạo ra mức lợi nhuận gấp 5 lần trong 5 năm mà chúng tôi hướng tới”, đại diện Mekong Enterprise Fund II cho biết.
Theo dõi động thái tại Thế giới Di động, giới quan sát cho rằng, giá cổ phiếu MWG giảm từ vùng 131.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2018 xuống mức 121.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 26/2 thì các cổ đông bình thường ai cũng sốt ruột. Nhưng nếu hàng loạt nhân sự cấp cao và người nhà, đặc biệt là thành viên HĐQT, kiêm chủ tịch một công ty vừa mới về Công ty thông qua M&A như ông Doanh mà bán bớt cổ phiếu thì đó là điều cần suy ngẫm.
Hết niềm tin vào tăng trưởng MWG?
Là người thường xuyên quan sát những công ty mà ban lãnh đạo rút vốn, chỉ giữ ít cổ phiếu, ông Đỗ Hoà, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị (từng là CEO của Kềm Nghĩa và Trung Nguyên Coffee) cho rằng, những công ty ấy rất ít khi tăng trưởng, mà thường suy giảm dần.
Ông Hòa thường theo dõi Thế giới Di động và cũng đã vài lần đưa ra nhận định về tương lai của doanh nghiệp này thông qua các động thái chiến lược của họ trong 2 năm gần đây. Theo ông, bất cứ lãnh đạo nào cũng phải thể hiện niềm tin vào tương lai của doanh nghiệp. Thông thường, người trong đội ngũ lãnh đạo chỉ có thể nắm giữ và mua thêm cổ phiếu để nhà đầu tư bên ngoài có niềm tin vào doanh nghiệp mà mua và nắm giữ cổ phiếu của Công ty.
“Khi mà một trong những thành viên chủ chốt bán bớt cổ phiếu, dù có vì lý do gì, thì nhà đầu tư vẫn nghi ngờ rằng, doanh nghiệp ấy đã có tín hiệu làm ăn không ổn”, ông Hòa cho biết.
Trong khi đó, ông Trần Kinh Doanh hoàn toàn im lặng trước thông tin này.
“Tôi vẫn giữ quan điểm rằng, Thế giới Di động đã đi qua đỉnh cao của mình về hiệu quả lợi nhuận. Giai đoạn tới, họ có thể tăng trưởng về doanh thu, nhưng tỷ suất lợi nhuận chỉ có giảm dần”, ông Hòa khẳng định.
Theo các chuyên gia phân tích chứng khoán, mảng Bách hóa Xanh của Thế giới Di động có khả năng sẽ tiếp tục lỗ trong năm nay. Thế giới Di động khó lập lại kỳ tích của mảng điện thoại mấy năm trước đối với Bách hóa Xanh. Lý do, đây là mảng rất cạnh tranh và đối thủ đều là các tay chơi lớn trong và ngoài nước, thay vì các doanh nghiệp nội ở quy mô nhỏ như vài năm trước.
Hơn nữa, chu kỳ thị trường điện thoại tại Việt Nam mấy năm trước còn đang ở giai đoạn đầu và Thế giới Di động đã đón đầu xu thế của thị trường để đầu tư mạnh và phát triển. Còn thị trường bách hóa lúc này đã qua giai đoạn tăng trưởng nóng và có vẻ sắp đi vào giai đoạn bão hòa khi các đối thủ lớn đã chiếm giữ thị phần ổn định, nên cạnh tranh thị phần (bằng giá) sẽ rất khốc liệt.
Xét về năng lực cạnh tranh trong mảng bán lẻ bách hóa, Thế giới Di động chỉ có thể phát huy công nghệ phần mềm quản lý, còn các yếu tố khác cũng quan trọng như nguồn cung/thu mua, bảo quản, quản lý khách hàng... thì họ không có lợi thế gì so với các đối thủ khác. Do vậy, họ khó mà cạnh tranh hiệu quả (tức là lấy thị phần trong tình trạng có lãi).
Vậy rủi ro của Thế giới Di động nằm ở chỗ mảng điện thoại đã có dấu hiệu bão hòa, họ không tiếp tục phát triển điểm bán hàng như các năm trước. Theo quy luật thị trường, một khi thị trường đi vào giai đoạn bão hòa, tỷ suất lợi nhuận sẽ bắt đầu giảm dần do yếu tố cạnh tranh.
Lợi nhuận mảng điện thoại giảm dần, trong khi mảng bách hóa tiếp tục cần được bơm tiền do vẫn lỗ, đó chính là kịch bản xấu nhất của Thế giới Di động. Đặc biệt, khi thâu tóm Trần Anh trong bối cảnh thua lỗ, Thế giới Di động cần phải bơm tiền và mất thời gian để vực lên. Trong khi đó, Bách hóa Xanh thuộc ngành hàng tuy có quy mô thị trường lớn, nhưng lại rất cạnh tranh. Biên lợi nhuận gộp bình quân phân phối hàng bách hóa (5-20%) thấp so với biên lợi nhuận gộp phân phối sản phẩm điện tử (30-50%).
Do vậy, năm nay, mục tiêu đạt 86.390 tỷ đồng doanh thu (3,7 tỷ USD), tăng 36,5% và lợi nhuận sau thuế 2.603 tỷ đồng, tăng 18,3% so với kế hoạch năm 2017 của Thế giới Di động được đánh giá là khó khả thi. “Việc đưa Thế giới Di động quay lại thời kỳ lợi nhuận cũ là một thách thức lớn, bởi giai đoạn tăng trưởng vàng đã đi qua, giai đoạn tới chỉ có thể là năng nhặt thì chặt bị”, ông Đỗ Hòa nhận định.
Theo Đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN