Tháng 7/2019, Masan Nutri-Science đã đổi tên thành CTCP Masan MEATLife với định hướng chuyển từ mảng nông nghiệp sang tập trung kinh doanh thịt đóng gói có thương hiệu theo mô hình tiêu dùng nhanh (FMCG).
Tập đoàn Masan, hiện đang sở hữu hơn 79% cổ phần, dự kiến đưa cổ phiếu công ty con lên sàn UPCoM trong năm nay để thực hiện mục tiêu niêm yết trên sàn HoSE khoảng năm 2022-2023. Công ty quản lý quỹ đầu tư KKR từng chi 150 triệu USD năm 2017 để mua 7,5% cổ phần của Masan MEATLife, tức định giá lên đến 2 tỷ USD.
Vừa qua, Masan Group cũng phân phối gần 1,8 triệu cổ phiếu công ty nông nghiệp cho các nhà đầu tư cá nhân với giá 75.000 đồng/cp. Các môi giới trên sàn OTC cũng chào bán với giá khoảng 75.000- 77.000 đồng/cp. Với vốn điều lệ 3.243 tỷ đồng, Masan MEATLife đang được thị trường định giá ở mức khoảng 24.300 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Theo dữ liệu được thống kê bởi chứng khoán Bản Việt, định giá P/E của doanh nghiệp là 104,8 lần, trong khi mức trung bình của thế giới trong mảng chăn nuôi là 16,5 lần, bao gồm nhiều công ty cùng quy mô tỷ đô như Japfa Comfeed Indones, Cofco Meat Holdings, C.P Pokphand, Tangrenshen Group...
Hiện nay đối thủ lớn của Masan MEATLife là các công ty như Cargill, C.P Vietnam, Greenfeed, Anova Corp, Dabaco, De Heus … Trong khi nhiều công ty chăn nuôi lớn chưa công khai tài chính thì mức định giá của Masan MEATLife tỏ ra vượt trội so với một số công ty cùng ngành trên sàn chứng khoán.
|
Định giá các công ty chăn nuôi thường thấp hơn doanh thu.
|
Doanh thu và lợi nhuận đi xuống
Xu hướng kinh doanh chăn nuôi hiện nay của các doanh nghiệp thường là khép kín chuỗi cung ứng 3F (Feed: thức ăn chăn nuôi – Farm: trang trại chăn nuôi – Food: thực phẩm) hay được gọi là “từ trang trại đến bàn ăn”. Đây là mô hình tạo ra được chuỗi giá trị kinh tế lớn hơn, thực phẩm tươi sạch hơn và có tính kiểm soát cao hơn.
Masan MEATLife bắt đầu tiến vào chuỗi giá trị thịt từ năm 2014 với việc nhận chuyển nhượng cổ phần 2 đơn vị thức ăn chăn nuôi là CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc Tế (Anco) và CTCP Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc (Proconco).
Năm 2016, doanh nghiệp đầu tư trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại Nghệ An (MNS Farm Nghệ An) khởi đầu trong lĩnh vực chăn nuôi. Đến 2018, nhà máy chế biến thịt Meat Hà Nam đi vào hoạt động và ra mắt MEATDeli. Tính đến nay, Masan MEATLife hiện đã sở hữu đầy đủ các đơn vị trong chuỗi 3F.
|
Các đơn vị thuộc Masan MEATLife.
|
Dù đã tham gia đủ chuỗi giá trị nhưng bản chất kinh doanh của Masan MEATLife vẫn hoàn toàn đến từ mảng thức ăn chăn nuôi với tỷ trọng doanh thu năm 2018 là 99%, trong khi mảng thịt chỉ mới đóng góp 1%. Với doanh thu 602 triệu USD năm 2018, mảng thức ăn chăn nuôi của MML chiếm khoảng 11% thị phần. Kết quả kinh doanh của công ty đang lao dốc bởi khủng hoảng ngành chăn nuôi lợn 3 năm gần đây.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào nửa cuối năm 2016 khi Trung Quốc giảm mua khiến giá giảm mạnh. Nhiều trang trại đã thu nhỏ đàn và treo chuồng, trong khi nông dân chuyển sang thức ăn tự pha đã kéo theo sự khủng hoảng của ngành thức ăn chăn nuôi. Sang đến năm 2018, khi giá lợn đang trên đà hồi phục thì dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco cho rằng, tổng đàn lợn Việt Nam giảm thực tế hơn nhiều con số thống kê 7-10%. Tại Trung Quốc, mức giảm đàn sau dịch còn lên tới 80%.
Sản lượng thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife theo đó cũng giảm từ 2,5 triệu tấn năm 2016 xuống còn 1,5 triệu tấn trong năm 2018. Biên lợi nhuận công ty giảm chủ yếu do sản lượng bán hàng thấp hơn trong khi chi phí cố định vẫn giữ nguyên và giá nguyên liệu cao.
Kết thúc năm 2018, Masan MEATLife ghi nhận doanh thu thuần 13.977 tỷ đồng, giảm 43% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ thu về 96 tỷ đồng, giảm 94% so với mức lãi kỷ lục năm 2016.
|
Doanh thu và lợi nhuận MML đi xuống giữa khủng hoảng lợn
|
Năm 2019, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần khoảng 16.680-19.800 tỷ đồng và lợi nhuận trong trường hợp khả quan là 200 tỷ đồng. Một công ty cùng ngành là Dabaco (vốn điều lệ 910 tỷ đồng) đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay là 405 tỷ đồng. Giá lợn đang tăng nhanh cùng nhu cầu cao dịp tết có thể thúc đẩy lợi nhuận các doanh nghiệp vào cuối năm.
Thách thức cho mảng thịt
Mức định giá cao nói trên đến từ sự kỳ vọng lớn về mảng thịt trong tương lai. Công ty con của Masan Group chỉ bắt đầu xâm nhập sâu vào thị trường với việc ra mắt thương hiệu MEATDeli trong năm 2018 (Masan MEATLife còn có cổ phần gián tiếp gần 25% tại Vissan). Mảng kinh doanh thịt hiện chưa có nhiều đóng góp với chỉ 1% doanh thu và chưa có lãi.
Dù vậy, Masan MEATLife đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần thịt lợn tại Việt Nam với doanh thu gần 1,34 tỷ USD (khoảng 32.000 tỷ đồng) vào năm 2022 và đóng góp trên 50% tổng doanh thu của công ty, đặt ra nhiều bài toán lớn.
Ban điều hành công ty nhận định thị trường thịt lợn ở Việt Nam hiện rất giống với thị trường sữa giai đoạn 15-20 năm trước khi chưa được chuẩn hóa, phát triển rời rạc và không có người dẫn dầu. Hơn nữa, quy mô thị trường thịt lợn lại lớn nhiều lần thị trường sữa, đạt khoảng 10 tỷ USD với 99% sản phẩm thịt không có thương hiệu.
Việt Nam đứng thứ 2 về tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người với 29kg/năm, chỉ xếp sau Trung Quốc; trong đó khu vực thành thị có mức tiêu thụ cao hơn với 38kg/năm. Masan dự báo sản lượng thịt lợn Việt Nam giai đoạn 2019-2025 tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm.
Mặc dù thị trường vẫn khá rộng với thị phần chủ yếu nằm ở các chợ truyền thống nhưng đã có nhiều doanh nghiệp lớn khai phá thị trường như C.P Việt Nam phân phối qua hệ thống siêu thị, 1.000 cửa hàng C.P Porkshop và dự kiến mở thêm 500 cửa hàng đến cuối năm, Greenfeed với thịt mát phân phối tại hệ thống cửa hàng Wyn, Anova Farm và Dabaco phân phối thịt tại nhiều siêu thị…
|
Cửa hàng phân phối thịt mát Wyn thuộc Greenfeed. Ảnh: THVL.
|
Masan MEATLife cũng gặp thách thức về nguồn cung thịt khi chỉ có 1 nhà máy chế biến Meat Hà Nam hoạt động từ năm 2018, phần còn lại bị phụ thuộc vào các trang trại của đối tác. Công ty dự kiến có nhà máy chế biến thứ 2 tại Long An nửa đầu năm 2020. Dù vậy, sản lượng 2 nhà máy này dự kiến chỉ đáp ứng 20% nhu cầu cho việc phân phối thịt, còn lại 80% đến từ trang trại đối tác đến 2020.
Ngoài ra, chủ thương hiệu MEATDeli còn chủ trương đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thịt mát (thịt được giết mổ và đông lạnh khoảng 0-4 độ C, thời gian sử dụng lâu hơn và có biên lợi nhuận cao hơn thịt nóng). Công ty đánh giá hiện tiêu thụ thịt ở Việt Nam chủ yếu là thịt nóng được phân phối ở các chợ truyền thống với tỷ trọng 95%. Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành nhận định việc thay đổi văn hóa tiêu dùng thịt của người dân là một chiến lược cần rất nhiều thời gian, công sức và tài chính. Bản thân sản phẩm thịt nóng bán tại các chợ truyền thông cũng có giá cả thấp hơn 20-30% so với sản phẩm đóng gói trong siêu thị.
Dù phần lớn các công ty lớn như C.P Việt Nam, Dabaco, Anova...phần lớn vẫn phân phối thịt nóng, một số đơn vị đã bắt đầu phát triển thịt mát như chuỗi cửa hàng Wyn của Greenfeed xuất hiện năm 2018 hay C.P Việt Nam cũng lấn sân.
Việc mở rộng chuỗi kinh doanh cũng là một bài toán khó cho Masan MEATLife. Tính đến tháng 8, công ty có 11 cửa hàng MEATDeli, 45 cửa hàng MT (cửa hàng trong các siêu thị Co.op, BigC, Aeon, Lotte) và trên 110 đại lý nhượng quyền.
|
Một cửa hàng MEATDeli của Masan MEATLife.
|
Công ty đặt mục tiêu mở rộng rất nhanh, đến cuối năm 2019 dự kiến có 60 cửa hàng MEATDeli, trên 110 cửa hàng MT và trên 400 đại lý nhượng quyền. Để mở rộng chuỗi phân phối, công ty con của Masan sẽ cần giải nhiều bài toán về nguồn tài chính, quy trình quản lý thực phẩm, chuỗi cung ứng lạnh, nhân sự…
Thị trường thịt lợn có quy mô lớn, nhiều tiềm năng nhưng để khai thác được giá trị cần nhiều thời gian và chiến lược phát triển như ngành sữa trước đây. Ngành thịt cũng thu hút rất nhiều công ty tham gia, trong đó đa phần đều có nền tảng rất mạnh về chăn nuôi như C.P Việt Nam, Anova Corp, Dabaco, GreenFeed… Các doanh nghiệp này không chỉ đang cạnh tranh gay gắt ở phân khúc thức ăn chăn nuôi, chạy đua xây dựng nhà máy chế biến thịt mà sắp tới sẽ là cuộc cạnh tranh mới ở mảng thịt.