Liên tục ngập nặng, TP.HCM lại xin hủy dự án chống ngập 400 triệu USD

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc TP.HCM không muốn tiếp tục thực hiện dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM” vay vốn Ngân hàng Thế giới.
Dự án chống ngập tại TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2016 nhằm nâng cao năng lực quản lý, phòng chống ngập lụt, kết hợp cải thiện môi trường TP.HCM; ngăn triều, tiêu thoát nước giải quyết ngập cho vùng trung tâm thành phố ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.
Lien tuc ngap nang, TP.HCM lai xin huy du an chong ngap 400 trieu USD
TP.HCM lại xin hủy dự án chống ngập 400 triệu USD.
Dự án được thực hiện sẽ giúp gần 15 nghìn ha đất được bảo vệ khỏi bị các trận lụt có tần suất ngập 10 năm; khoảng 2 triệu người (tính đến năm 2020) sống ở tiểu lưu vực được tiếp cận các tiện ích vệ sinh môi trường.
Thời gian thực hiện dự án 6 năm (từ 2016-2021). Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 437 triệu USD. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới là 400 triệu USD, vốn đối ứng của TP.HCM là 37 triệu USD.
Tuy nhiên, vào tháng 7/2017 UBND TP.HCM đã có văn bản cho biết, trong quá trình thẩm định dự án, đại diện Ngân hàng Thế giới và các sở ban ngành của TP đã xác định có sự khác biệt rất lớn về chính sách áp dụng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cụ thể là cách xác định giá trị bồi thường cho từng loại đất.
Đơn cử như đối với đất vườn thổ cư, pháp luật Việt Nam quy định hạn mức đất ở để bồi thường, phần còn lại sẽ được bồi thường theo đất nông nghiệp. Thế nhưng, Ngân hàng Thế giới lại dự kiến tính bồi thường toàn bộ khuôn viên theo giá đất ở, cho chuyển mục đích toàn bộ đất nông nghiệp thành đất ở mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính.
“Điều này sẽ dẫn đến sự chênh lệch không có cách khắc phục, không thể giảm sự khác biệt giữa chính sách của Ngân hàng Thế giới và quy định của Việt Nam”, Bộ KH-ĐT trích ý kiến của TP.HCM.
Nếu TP.HCM thực hiện theo đề nghị của Ngân hàng Thế giới thì không phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013 và sẽ không công bằng cho hơn 2.000 trường hợp trong dự án giai đoạn I đã nhận tiền, di dời trước thời điểm tháng 3/2014. Điều này dễ dẫn đến phát sinh so sánh và khiếu nại không chỉ giữa các hộ dân trong dự án giai đoạn I mà còn đối với tất cả các dự án khác đang triển khai trên địa bàn thành phố, gây mất ổn định an ninh trật tự tại TP.HCM.
Cho ý kiến với đề xuất này, Bộ Tài chính cũng thống nhất với phương án hủy dự án chống ngập trong trường hợp UBND TP.HCM không thể thống nhất được với Ngân hàng Thế giới.
Bộ NN-PTNT cũng có ý kiến tương tự.
Còn Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM rà soát, làm rõ các ảnh hưởng tác động, rủi ro phát sinh có thể xảy ra trên địa bàn khu vực thành phố trường hợp dừng thực hiện dự án.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn có một lo ngại khác. Đó là hiện nay Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát đang thực hiện bằng vốn BT (đã xong giai đoạn I) và hệ thống cống bao, thu gom lưu vực Tham Lương - Bến Cát sẽ thu gom toàn bộ nước thải của lưu vực quận Gò Vấp về nhà máy. Việc dừng thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy khi hoàn thành vì không có nước thải để vận hành.
Báo cáo Thủ tướng, Bộ KH-ĐT cho rằng: Việc không tiếp tục thực hiện dự án xuất phát từ sự khác biệt không có cách khắc phục giữa các quy định của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án, vượt quá thẩm quyền của UBND TP.HCM và là nguyên nhân nằm ngoài mong muốn của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới.
Vì thế, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ này chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM, các cơ quan liên quan và Ngân hàng Thế giới tiến hành các thủ tục theo quy định để hủy dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM”.
Theo Lương Bằng/Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN