Lãnh đạo thừa nhận phải nhận lỗi với nhà đầu tư
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI cho biết thị trường đang tăng trưởng tốt, khả năng cung cấp dịch vụ của hệ thống chưa đáp ứng được dẫn tới nghẽn lệnh.
Khi FPT tham gia giải quyết, tôi nghi ngờ không phải vì không tin năng lực của FPT mà vì không tin là trong cơ chế này có thể xử lý nghẽn lệnh trong 100 ngày.
“Chúng ta vẫn nợ một lời xin lỗi với nhà đầu tư, khi không cung cấp được dịch vụ tốt cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư trả phí cho CTCK và Sở do đó phải được hưởng đủ các quyền của mình” – Chủ tịch SSI cho hay.
NĐT chuyển từ tiết kiệm sang chứng khoán như hiện nay là cơ hội ngàn năm có một với sự phát triển của thị trường do đó cần đáp ứng được dịch vụ.
Ở các phiên mà chỉ số có sự méo mó, không thể hiện đúng thì chúng ta nên ngưng luôn không nên tiếp tục dùy trì để tránh sai lệch. Bất cứ gì làm chỉ số méo mó chẳng hạn như nghẽn lệnh, treo lệnh thì phải dừng lại.
Chúng ta không thể bắt nhà đầu tư giao dịch ít đi được. Ở góc độ CTCK, chúng tôi luôn đáp ứng mọi chỉ đạo của cơ quan quản lý.
Trong tình cảnh hiện nay, có thể tạm ngừng robot trading nhưng đó là những cái giúp thị trường phát triển. Thị trường cá nhân là đối tượng quan trọng cho sự phát triển của thị trường trong giai đoạn tới. Đây là đối tượng cần được lưu tâm.
Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng cho biết ông không chỉ nợ một lời xin lỗi mà nợ nhiều lời xin lỗi, vừa phải xin lỗi nhà đầu tư, vừa xin lỗi các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà báo,... những người tâm huyết với thị trường chứng khoán đã liên lạc với ông để nắm tình hình hoặc hiến kế giải quyết vấn đề nhưng ông không trả lời hết được.
Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà cho rằng Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh cũng phải nhận một phần lỗi. Trong 21 năm qua, HOSE vẫn luôn hướng tới sự phát triển của thị trường Việt Nam. Đó là một lời cam kết mà Sở luôn cố gắng hết sức.
|
Quang cảnh toạ đàm sáng 24/6. |
Hệ thống mới với FPT đã đi đến đâu?
Trả lời về hiện tượng nghẽn lệnh ở các mốc thanh khoản khác nhau, ông Trà cho biết mỗi hệ thống được thiết kế với tham số khác nhau, hệ thống của HoSE có tham số chính là số lượng lệnh.
Năng lực tối đa của hệ thống là 900 ngàn lệnh. Con đường được thiết kế với số 900.000 xe nhưng số lượng thực tế vượt quá dẫn tới tắc nghẽn.
Điểm khác biệt là mỗi lệnh không giống xe trên đường mà khác nhau ở tham số lệnh giao dịch. Lệnh 100 cp, 1000 cp, 1 lệnh sửa hủy lệnh đều tính là 1 lệnh. Việc mua 100 cp với giá 10.000 đồng khác với 100 cp có giá 100.000 đồng. Điều đó lý do tại sao nghẽn lệnh lại xảy ra ở các mức giá trị thanh khoản khác nhau.
Vấn đề thứ hai là lệnh phân bổ, khi lượng lệnh ở CTCK đạt giới hạn thì sẽ có tình trạng nghẽn. Do đó, xảy ra trường hợp CTCK này nghẽn, CTCK khác không nghẽn.
Các biện pháp: Nâng lô lên 100 cp đã giúp nâng thanh khoản nhưng thanh khoản tiếp tục tăng nên không hiệu quả. Sở cũng đã tính đến phương án nâng lên 1000 cp nhưng không áp dụng.
Về hệ thống mới của FPT, ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch HĐQT Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cho hay đầu tiên là chỉnh sửa hệ thống HNX, thứ hai là chỉnh sửa các cổng kết nối và chỉnh sửa các ứng dụng của hệ thống để thống nhất với các đơn vị khác trên thị trường.
Vì không phải CTCK cũng chỉnh sửa hệ thống cho phù hợp nên phải chỉnh sửa để hệ thống mới tương thích nhất.
Đầu tư thêm phần cứng để phù hợp với hệ thống mới
Kế hoạch 100 ngày có 5 giai đoạn: Khảo sát HoSE, khác biệt quy chế HNX và HoSE; Chỉnh sửa; Kiểm tra với 20 CTCK và mở rộng ra toàn bộ. Hiện tại đang kiểm tra lại hệ thống, kiểm tra an ninh bảo mật, kiểm tra ngưỡng tải. Xây dựng quy trình để xử lý khi có sự cố hệ thống.
Khác biệt với hệ thống cũ của Thái Lan, đặt mục tiêu số lượng lệnh 3 – 5 triệu lệnh. Không có cơ chế phân bổ lệnh như trước. Quan trọng là chúng ta có thể làm chủ hệ thống: Khi phát sinh sự cố chúng ta biết lỗi ở đâu và chỉnh sửa, khi thị trường chạm ngưỡng thì chúng ta có thể chủ động nâng cấp cho phù hợp.
Năng lực hệ thống mới của FPT lấy 2 chỉ tiêu là tổng lượng lệnh 1 ngày và số lượng lệnh người vào trong 1 giây.