Kế hoạch lợi nhuận 2020 bi quan nhất là giảm 37%
Nhận định về năm 2020, EVN Finance cho rằng, trong bối cảnh chưa dự báo chính xác được thời điểm kết thúc dịch bệnh COVID-19, từ đó dự báo thời gian kéo dài những giải pháp chống dịch, thời điểm nền kinh tế ổn định trở lại, tác động kéo dài tư những khó khăn của hệ thống các doanh nghiệp, cá nhân, khó khăn của các tổ chức tín dụng nói chung.
Theo đó, EVN Finance đưa ra 2 kịch bản cơ sở, phương án thứ 1 dự trên việc các doanh nghiệp hoạt động dần ổn định trở lại từ tháng 5. EVN Finance đặt mục tiêu tổng tài sản xấp xỉ năm 2019 với 22.050 tỷ đồng. Doanh thu 1.997 tỷ đồng, tăng 17% so năm 2019. Lợi nhuận trước thuế 285,6 tỷ đồng, bằng với năm trước.
Ở kịch bản thấp, dịch bệnh kéo dài đến cuối quý 2, EVN Finance đặt kế hoạch tổng tài sản giảm 1% xuống 21.950 tỷ đồng. Doanh thu tăng nhẹ 8% lên 1.841 tỷ. Ngược lại, lợi nhuận trước thuế lại giảm 37% về còn 181 tỷ đồng.
Về chỉ tiêu chung, EVN Finance cũng đặt kế hoạch cho vay khách hàng đạt 11.012 tỷ đồng, và dự phòng rủi ro 150 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt 7.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, riêng trong quý 1/2020, EVN Finance thực hiện được 181 tỷ đồng thu nhập lãi thuần và 90 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Còn năm 2019, EVN Finance thực hiện được 229 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Lấn sân sang tín dụng tiêu dùng, EVN Finance "có cửa"?
Vốn điều lệ của EVN Finance tại thời điểm tháng 4/2020 là 2.650 tỷ đồng. Với định hướng cung cấp các sản phẩm dịch vụ bán lẻ, phát triển tín dụng tiêu dụng song song các hoạt động kinh doanh truyền thống, EVN Finance muốn tăng vốn điều lệ bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2018 và 2019.
Theo đó, EVN Finance sẽ phát hành gần 40 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị gầm 400 tỷ để trả cổ tức với tỷ lệ 100:15. Thời gian hoàn thành dự kiến là giai đoạn 2020-2021.
Hiện trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu EVF hiện đang giao dịch quanh mốc 7.700 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng 22/5, ghi nhận giảm gần 4% trong vòng 1 quý vừa qua.
Phần vốn huy động được, EVN Finance chủ trương phát triển mạng hoạt động tín dụng tiêu dùng và các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới Fintech.
Bởi theo EVN Finance, thị trường các sản phẩm tín dụng tiêu dùng có tiềm năng cao (giai đoạn 2015-2017 tăng trưởng bình quân 61,3%/năm, riêng năm 2018 khoảng 29,3% và chiếm tỷ trọng khoảng 19,7% tổng dư nợ toàn hệ thống).
Trước đó, năm 2019, Công ty đã thành lập Trung tâm tư vấn và phát triển sản phẩm mới với một trong những chức năng nhiệm vụ phát triển gói sản phẩm cho thuê tài chính điện mặt trời áp mái, nghiên cứu phát triển sản phẩm tài chính mới trên nền tảng công nghệ.
Động thái lấn sang tín dụng tiêu dùng có vẻ khá đi ngược với Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHBFC).
Cụ thể, thág 4 vừa qua, SHBFC ngân hàng mẹ SHB đề xuất thông qua việc thoái vốn tại SHBFC cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Không rõ SHB sẽ thoái vốn một phần hay toàn bộ nhưng thông tin này gây không ít bất ngờ, bởi trước đó, SHB đã có nhiều kế hoạch để phát triển mảng tín dụng tiêu dùng thông qua mở rộng mạng lưới công ty con này.
Trong khi đó, gần đây, Moody’s cũng đã xem xét về việc hạ tín nhiệm 3 công ty tài chính lớn tại Việt Nam. Theo đánh giá của Moody’s, cú sốc kinh tế do Covid-19 gây ra có thể tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính này.
Nói thế để thấy rằng, trong bối cảnh hiện tại bởi dịch COVID-19, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng có còn là "gà đẻ trứng vàng" như những năm vừa qua hay không để EVN Finance "nhảy" vào thởi điểm này vẫn là một bài toán khó.