Theo Chứng khoán SSI, tuần từ 5-9/10, thị trường mở vẫn không có giao dịch mới, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang ở mức xuống 0.175%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0.225%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Lãi suất tiền gửi được điều chỉnh giảm 20-40 điểm phần trăm ở các NHTM NN lớn như Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank. Lãi suất tiền gửi hiện phổ biến ở mức 3-3.8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3.7-5.0%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4.9-5.6%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Trong khi đó, theo khảo sát ngày 12/10, ở khối ngân hàng TMCP vẫn có những nhà băng nhỏ duy trì mức lãi suất cao hơn để hút khách như OceanBank, VIB và VietCapitalBank với lãi suất đưa ra cho kỳ hạn dưới 6 tháng là 4%/năm.
Với kỳ hạn 6 và 9 tháng, lãi suất được khối TMCP đưa ra trong khoảng 5,2 - 6,8%/năm, trong đó mức cao nhất là từ DongABank.
Với kỳ hạn 12 và 13 tháng, khối ngân hàng TMCP áp dụng từ 6 - 8,5%/năm. Trong đó, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cao nhất thuộc về PVCombank là 7,99%/năm, còn kỳ hạn 13 tháng là VietCapitalBank áp dụng là 8,5%/năm.
Đây cũng là mức lãi suất hiếm coi cao nhất tính đến thời điểm hiện tại của các nhà băng trong cuộc đua hút khách gửi tiền. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất cao nhất của VietCapitalBank thì người gửi phải có ít nhất từ 500 tỷ trở lên.
Ở kỳ hạn 18-36 tháng, lãi suất tiền gửi có độ dao động khá lớn từ 5,9 - 7,5%/năm. Trong đó, NCB đứng đầu mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 18 tháng là 7,3%, còn kỳ hạn 24 tháng thuộc về MBBank với 7,4%/năm và 36 tháng lại là VietCapitalBank với 7,5%/năm.
Theo SSI, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát và thị trường đã bước vào quý cuối năm thường là quý cao điểm về nhu cầu vốn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn yếu và thấp hơn khá nhiều (khoảng 2%) so với tăng trưởng huy động, tiền đồng vẫn dư thừa trong hệ thống các ngân hàng. Do đó, SSI cho rằng lãi suất sẽ vẫn đi ngang ở vùng thấp trong thời gian tới.