Lãi suất thấp khiến tiền gửi năm 2021 giảm mạnh, nhà băng nào bị ảnh hưởng?

Môi trường lãi suất thấp được duy trì trong 2 năm qua đã khiến cho nhu cầu gửi tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư giảm mạnh.
SSI Research công bố Bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu tuần từ 21 - 25/2 ghi nhận lãi suất liên ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt. 
Trong tuần trước, thanh khoản trong hệ thống tiếp tục được cải thiện khi hoạt động OMO được sử dụng với tần suất và khối lượng ít hơn nhiều so với các tuần trước đó. NHNN bơm 377 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Tổng lượng tín phiếu đang lưu hành giảm mạnh xuống chỉ còn 900 tỷ đồng nhờ lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần lên tới 14,4 nghìn tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhờ vậy đã giảm nhiệt, nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước đó. Kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,48% (giảm 22 điểm cơ bản) và kỳ hạn 1 tuần 2,52% (giảm 30 điểm cơ bản).
Lai suat thap khien tien gui nam 2021 giam manh, nha bang nao bi anh huong?
 
Trong tuần trước, NHNN đã công bố số liệu tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán và huy động vốn trong năm 2021, trong đó, cả cung tiền M2 và huy động vốn đều có cải thiện đáng kể so với con số sơ bộ mà TCTK đưa ra vào cuối năm ngoái.
Cụ thể, tăng trưởng M2 đạt 10,7% so với đầu năm (so với mức 8,93%, tính đến ngày 24/12), trong khi tăng trưởng huy động vốn ghi nhận ở mức 9,24% (so với 8,44% tính đến ngày 24/12).
Đáng chú ý, tăng trưởng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng tốt khi tăng 15,7% so với cùng kỳ trong khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ dân cư ở mức thấp, chỉ đạt 3,1% YoY (từ mức trung bình khoảng 10.8% trước dịch Covid).
Nhìn chung, điều này phản ánh thực tế môi trường lãi suất thấp được duy trì trong 2 năm qua đã khiến cho nhu cầu gửi tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư giảm mạnh.
Điểm qua có thể thấy một số nhà băng ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng trong năm 2021 suy giảm như Ngân hàng Quốc Dân (NCB) tới 10,5% về còn 64.520 tỷ đồng; hay Ngân hàng An Bình (ABBank) giảm mạnh 6,4% về mức 67.840 tỷ đồng.
Tiếp theo còn có Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) chỉ còn 109.785 tỷ đồng, tức giảm 3,1%; hay Ngân hàng PGBank với 2,3% về mức 28.075 tỷ đồng; Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) cũng giảm lần lượt là 0,1% và 0,6%.
Sang năm 2022, SSI Research kỳ vọng tỷ lệ này sẽ được cải thiện khi mặt bằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm với mức tăng khoảng 20-25 điểm cơ bản dành cho lãi suất huy động ở cá NHTMCP Nhà nước.
Theo đó, biểu lãi suất huy động đã được điều chỉnh tăng trong thời gian qua, đặc biệt dành cho khối khách hàng cá nhân nhằm thu hút lượng tiền gửi dư thừa, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với huy động tạo áp lực lên hoạt động kinh doanh của các NHTM.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN