Nguy cơ tăng trở lại?
Bên cạnh một số tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục giảm lãi suất huy động vốn, thị trường cũng chứng kiến đã có một số nhà băng bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi trở lại trong vòng 1 tháng qua. Có thể kể đến như VPBank, SHB, Eximbank, Saigonbank, MSB,… Mức tăng phổ biến từ 0.1%- 0.3% tùy kỳ hạn. Điểm lưu ý là một vài nhà băng tập trung tăng ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, phần nào phản ánh góc nhìn về lãi suất trong thời gian tới của nhóm này.
Xu hướng đi lên trở lại của lãi suất thể hiện rõ hơn ở các thị trường khác. Đầu tiên, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sau khi tạo đáy trong nửa cuối tháng 3 đã tăng mạnh trở lại trong đầu tháng 4, với lãi suất qua đêm vọt lên mức 4.59% vào thứ 5 tuần trước, tức tăng đến 4.46% so với mức đáy ngày 22/03. Các kỳ hạn khác cũng tăng tương tự, đặc biệt là mức tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn 1 tuần và 2 tuần lần lượt tăng 4.42% và 3.28%.
Trên thị trường tín phiếu, nếu như những phiên phát hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng 3 chỉ quanh 1.4%/ năm, các phiên giao dịch gần đây nhà đầu tư đòi hỏi mức lãi suất phải cao hơn. Như phiên giao dịch ngày hôm qua (09/4), lãi suất trúng thầu cho lượng tín phiếu phát hành kỳ hạn 28 ngày đã lên 2.9%/ năm, với khối lượng trúng thầu cũng chỉ ở mức 3,850 tỷ đồng.
Thực tế một số tổ chức, công ty chứng khoán gần đây cũng cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đã chạm đáy, đồng thời dự báo có thể đi lên trở lại trong thời gian tới, khi thanh khoản của hệ thống sẽ thôi dồi dào và có thể đối mặt áp lực trở lại. Sự ngược chiều trong tăng trưởng tín dụng và huy động vốn của các nhà băng cũng được xem là một trong những nguyên nhân có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho tháy tính đến ngày 25/3, trong khi tín dụng đã đảo chiều tăng trưởng từ mức âm của 2 tháng trước đó sang dương trở lại 0.26%, huy động vốn vẫn ghi nhận sụt giảm 0.76% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2023 huy động vốn tăng trưởng 0.77%). Còn cập nhật gần nhất từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đến ngày 28/3 ghi nhận mức tăng 0.9%.
Với mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm về mức phù hợp và các ngân hàng triển khai hàng hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi để thúc vốn đầu ra, dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn trong những tháng tới. Đây sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng lên xu hướng lãi suất trong thời gian tới.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh và duy trì ở mức cao cũng có thể ảnh hưởng đến việc tăng lãi suất trở lại của các ngân hàng. Với khách hàng không thể hoàn trả nợ vay đúng hạn, một phần nguồn vốn kinh doanh bị kẹt vào các khoản nợ xấu này, khiến các nhà băng phải tăng cường huy động vốn mới để đáp ứng cho các nhu cầu vay mới.
Số liệu cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4.55%, tăng so với mức 2.03% vào cuối năm 2022. Đáng lưu ý là xu hướng nợ xấu gia tăng có thể sẽ chưa dừng lại, trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều thách thức và thị trường lao động vẫn khó khăn. Trong 3 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên đến 73.9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22.8% so với cùng kỳ.
Áp lực từ tỷ giá và giá vàng
Ngoài ra, một trong những ảnh hưởng lớn nhất ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất tiền đồng trong thời gian qua có thể nhắc đến là xu hướng giảm giá của tiền đồng so với đô la Mỹ. Giá giao dịch USD tại các ngân hàng lẫn trên thị trường tự do kể từ đầu năm đến nay đã tăng gần 3%, xấp xỉ mức tăng của cả năm 2023. Với khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể neo lãi suất cơ bản USD ở mức cao lâu hơn, xu hướng đồng USD trên thị trường quốc tế cũng trở nên khó lường hơn.
Tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh và duy trì ở mức cao cũng có thể ảnh hưởng đến việc tăng lãi suất trở lại của các ngân hàng. Với khách hàng không thể hoàn trả nợ vay đúng hạn, một phần nguồn vốn kinh doanh bị kẹt vào các khoản nợ xấu này, khiến các nhà băng phải tăng cường huy động vốn mới để đáp ứng cho các nhu cầu vay mới.
Tiền đồng mất giá rõ ràng càng làm suy giảm sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm ngân hàng, vốn đang có lãi suất ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngoài ra, để hóa giải đà đi lên liên tục của tỷ giá và chênh lệch quá lớn giữa lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng, nhà điều hành đã liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt lượng thanh khoản tiền đồng dư thừa trong 1 tháng qua. Xu hướng hút ròng liên tục này cũng đã tác động tiêu cực lên thanh khoản hệ thống và nếu tiếp tục kéo dài tất yết sẽ góp phần đẩy mặt bằng lãi suất huy động của các nhà băng đi lên.
Một yếu tố quan trọng khác có lẽ cũng gây áp lực lên lãi suất là diễn biến giá vàng liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong vòng 2 tháng qua, giá vàng trên thị trường quốc tế đã tăng gần 19% và liên tục thiết lập các mức kỷ lục mới, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương (NHTW) tiếp tục đa dạng hóa dự trữ ngoại hối sang vàng, trong khi các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân cũng tăng mua ròng trước những lo ngại về căng thẳng địa chính trị và xung đột quân sự.
Trong nước, giá vàng SJC cũng đã liên tục thiết lập những đỉnh cao mới, khi giá bán ra đã có lúc gần chạm mốc 85 triệu đồng/lượng vào chiều ngày 09/04. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC đã tăng xấp xỉ 27%, trở thành một trong những kênh đầu tư mang lại hiệu suất sinh lời tốt nhất. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục bị đẩy giá lên 77-78 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay, trước nhu cầu tăng cao. Bất chất đã tăng mạnh và đang ở mức đỉnh cao, với chênh lệch giữa giá vàng quốc tế quy đổi và giá vàng trong nước chênh lệch lớn, không ít dự báo vẫn cho rằng giá kim loại quý này sẽ còn tiếp tục đi lên trong thời gian tới.
Điều này vô hình chung thúc đẩy một dòng tiền lớn rót vào kênh đầu tư vừa được xem có tính trú ẩn an toàn, vừa đang mang lại hiệu suất sinh lời tốt này. Trong đó kênh tiết kiệm ngân hàng dường như bị ảnh hưởng lớn nhất. Với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm hiện chỉ còn 4-5%/ năm, lạm phát mục tiêu trong năm nay là 4-4.5%, có thể thấy lãi suất thực của kênh tiết kiệm đang thấp như thế nào nếu so với mức tăng trưởng của giá vàng trong thời gian ngắn vừa qua.