Tăng trưởng tín dụng trong tháng 8 sẽ không quá tích cực
Bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu tuần từ 30/8/2021 - 1/9/2021 của SSI Research ghi nhận, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm tuần thứ 3 liên tiếp.
Các hoạt động thị trường mở không phát sinh giao dịch mới trong tuần qua. Biến động lãi suất không đáng kể do số ngày giao dịch giảm. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm nhẹ khoảng 3 điểm cơ bản, kết tuần ở mức 0,71% cho kỳ hạn qua đêm và 0,86% cho kỳ hạn 1 tuần.
Nguồn tiền Đồng bổ sung từ nghiệp vụ mua ngoại tệ của NHNN đáo hạn không còn xuất hiện trong tuần qua, tuy nhiên diễn biến của lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì đà giảm trong 3 tuần liên tục nhờ thanh khoản dồi dào khi dịch bệnh kéo dài khiến tốc độ tăng trưởng tín dung chậm lại.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện chưa công bố tăng trưởng tín dụng trong tháng 8, tuy nhiên dựa vào số liệu báo cáo của Cục Thống kê từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng trong tháng 8 sẽ không quá tích cực.
Trong tuần này, nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP của KBNN sẽ quay trở lại sau gần 2 tháng yên ắng và được kỳ vọng phần nào hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trong giai đoạn cuối Quý.
Về quy mô, KBNN cho biết khối lượng giao dịch các phiên sẽ công bố cụ thể theo mỗi phiên, còn riêng trong quý 3 này tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP là 54.760 tỷ đồng. Nhờ vậy lãi suất liên ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp trong thời gian tới.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng nào cao nhất?
Trong khi đó, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm tương đối mạnh trong hơn 1 tháng qua với mức giảm dao động từ 0,5% - 3%.
Mặt bằng lãi suất huy động hiện vẫn đang duy trì ở mức thấp, 3 – 4%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng. Trong đó, mức lãi suất 4%/năm đang ghi nhận duy nhất tại GPBank, tiếp theo sau đó là Nam Á Bank với 3,95%/năm và NCB cùng PGBank, PVcomBank ghi nhận 3,9%/năm.
Với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng lãi suất tiền gửi dao động trong khoảng 3,7 – 6,4%/năm. Trong đó, ở kỳ hạn 6 tháng, CBBank và NCB tung ra mức lãi suất cao nhất với 6,25%/năm; tiếp theo là Bắc Á với 6,1% và Nam Á Bank ghi nhận 6%/năm. Còn kỳ hạn 9 tháng, duy nhất NCB ưu đãi với 6,4%/năm.
Ở kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất huy động của các ngân hàng đưa ra trong khoảng 4,2 – 6,5%/năm. Tuy nhiên, vẫn có nhà băng đưa ra mức lãi suất khá cao với 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng là SCB.
Tỷ giá tiếp tục giảm, nguồn cung ngoại tệ được hỗ trợ
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND niêm yết ở các NHTM tiếp tục giảm nhẹ 10đ/USD ở cả 2 chiều, giao dịch ở mức 22.640/22.880. Ngược lại, tỷ giá tự do biến động trái chiều khi giảm mạnh 90đ/USD ở chiều mua vào và tăng 10đ ở chiều bán ra, kết tuần ở 22.880/23.150.
Theo SSI Research, trong thời gian qua, nguồn cung ngoại tệ được hỗ trợ bởi dòng tiền từ một số dự án lớn như LG Display đầu tư thêm 1,4 tỷ USD vào nhà máy sản xuất tại Hải Phòng hay hoạt động bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của FE Credit hay SHB Finance và giúp tỷ giá duy trì ở mức thấp.
Diễn biến của VND trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng mở cửa trở lại nền kinh tế để có thể nhận thêm dòng vốn ngoại mới vào thị trường.