Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đẩy mạnh kênh tín phiếu với 87 nghìn tỷ được phát hành mới trong khi có 69 nghìn tỷ đến hạn, hút ròng thông qua kênh này là 18 nghìn tỷ đồng. Kênh OMO không có giao dịch, số dư duy trì bằng 0.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sau khi giảm thấp xuống dưới 2% vào ngày 30/9/2019 đã tăng trở về mức 2.3%/năm với kỳ hạn qua đêm do NHNN liên tục hút ròng và nhu cầu gia tăng dự trữ bắt buộc đầu tháng.
Tuy nhiên, mức lãi suất này hiện vẫn thấp hơn lãi suất tín phiếu, thanh khoản trên liên ngân hàng rất dồi dào, dự kiến lãi suất trên liên ngân hàng vẫn dao động ở mức thấp, quanh mức 2.5%/năm của lãi suất tín phiếu. Chênh lệch lãi suất VNĐ/USD trên liên ngân hàng duy trì ở mức 0.2-0.4%/năm.
Lãi suất huy động trên thị trường 1 vẫn duy trì ở mức 4.3-5.5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5.5-7.5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6.4-8.1%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Theo thông tin từ NHNN, tính đến ngày 24/9/2019, tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 8.64%, huy động vốn tăng 9.03% và tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8.58%.
Thông thường, con số tăng trưởng thực tế cả 9 tháng sẽ cao hơn. Như năm 2018, số tăng trưởng tín dụng chốt quý 3 là 10.33% - cao hơn số công bố ngày 20/9/2018 tới 0.81%, chỉ trong 6 ngày làm việc cuối quý.
Tuy vậy, dù có đẩy mạnh giải ngân trong 3 ngày làm việc cuối tháng (tính từ 24/9/2019), dự tính con số tăng trưởng tín dụng 9 tháng 2019 cũng sẽ chỉ quanh 9% – là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm gần đây.
SSI cho rằng, dư địa cho tăng trưởng tín dụng trong quý 4/2019 còn rất lớn và nhu cầu huy động vốn của các NHTM sẽ vẫn ở mức cao khiến lãi suất khó giảm.
Tuy nhiên, nếu duy trì được đà tăng trưởng huy động tốt như quý vừa qua, lãi suất huy động có khả năng sẽ giảm vào đầu năm 2020.