Lãi suất giảm mạnh, dòng tiền có xu hướng đổ mạnh vào thị trường chứng khoán

Do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lãi suất được dự đoán sẽ tiếp tục giảm và chạm đáy trong thời gian tới, với nguồn vốn rẻ này nhiều nhà đầu tư vay tiền để đầu tư sinh lợi trên thị trường chứng khoán.
Lãi suất chạm đáy, người người nhà nhà đổ xô đầu tư chứng khoán
Để đối phó với dịch Covid-19 và kích cầu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp vào tháng 3, tháng 5 và tháng 10 trong năm 2020 với tổng mức giảm là 1,5 điểm phần trăm đối với lãi suất tái cấp vốn, cũng như hạ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng từ 0,8-1 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, NHNN hoãn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thêm 1 năm để cho các ngân hàng không bị chịu áp lực cơ cấu lại nguồn vốn trong bối cảnh phải hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt thanh khoản, thông qua việc giảm lãi suất cho vay, giãn nợ và cơ cấu lại nợ.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021, khi NHNN hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất là kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng.
Thứ hai là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh.
Thứ ba là lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.
Lai suat giam manh, dong tien co xu huong do manh vao thi truong chung khoan
Nhà đầu tư được tiếp cận với nguồn vốn rẻ.
Do được tiếp cận với nguồn vốn rẻ, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường chứng khoán giúp diễn biến thăng hoa trên thị trường này. Sau gần 3 năm, chỉ số VN-Index đã trở lại mốc 1.200 điểm vào đầu phiên sáng 13/1 trước khi lao dốc vào phiên chiều do nhóm cổ phiếu Vingroup diễn biến tiêu cực.
Thanh khoản giao dịch cũng ghi nhận đột biến gần 1 tỷ USD/phiên trong thời gian từ đầu năm 2021 đến nay. Lũy kế năm 2020, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 393 nghìn tài khoản chứng khoán, tăng gấp đôi so với năm trước và xu hướng này có lẽ sẽ chưa dừng lại.
Ghi nhận tại các công ty chứng khoán những ngày gần đây cho thấy nhà đầu tư vẫn "ồ ạt" đi mở tài khoản. Ước tính các công ty chứng khoán top đầu có thể mở mới hàng trăm tài khoản chứng khoán mỗi ngày trong thời gian này.
Chuyên gia lo ngại vì nguồn vốn đổ mạnh vào thị trường chứng khoán
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021, TS. Cấn Văn Lực Chuyên gia kinh tế, Kinh tế trưởng BIDV bày tỏ lo ngại và nhấn mạnh hiện tượng dịch chuyển của dòng tiền trong năm vừa qua. "Lãi suất đã giảm rất mạnh khiến dòng tiền đổ vào các lĩnh vực khác tương đối nhanh, trong đó có chứng khoán và chúng ta phải thận trọng đối với xu hướng đó", ông nói.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho hay, hiện nay tổng nợ toàn cầu đã tương đương với khoảng 350% GDP – lớn chưa từng có và tăng khoảng 40-45% trong 2 năm vừa qua vì lãi suất thấp.
"Do đó, bài toán đặt ra với Việt Nam chúng ta là lãi suất điều hành như thế nào cho phù hợp. Thấp quá có tốt không? Chưa chắc! Vì phải đảm bảo lợi ích của rất nhiều bên trong nền kinh tế, cả người gửi tiền, người vay tiền và cả câu chuyện điều hành vĩ mô, lạm phát. Nếu không, chúng ta sẽ lại phải đối mặt với hệ lụy bong bóng lâu dài", vị chuyên gia phân tích.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, lãi suất không phải là điểm nghẽn hiện nay. Tín dụng của Việt Nam vẫn tăng trưởng hơn 12% trong năm vừa qua, có thể là mức tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, kể cả khi sức cầu vẫn còn yếu.
Mặc dù vậy, dòng tiền chuyển dịch sang chứng khoán rất mạnh mẽ, khoảng gần 400.000 tài khoản F0 mới trong năm vừa qua, tăng 15% so với năm trước. Lãi suất hơi thấp xuống đối với người gửi tiền là thấy ngay sự dịch chuyển dòng tiền sang lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.
Còn ông Andy Ho - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư VinaCapital chia sẻ, chứng khoán không phải là ngành, vì có rất nhiều doanh nghiệp trong đủ ngành nghề cùng niêm yết.
Ông Andy Ho nhấn mạnh yếu tố lãi suất sẽ ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ đầu tư. Khi lãi suất đi xuống, ông thấy họ rút tiền từ bất động sản, tiết kiệm vào chứng khoán – nhưng đầu tư lâu hay ngắn cũng phải phụ thuộc vào lãi suất.
Nhìn doanh nghiệp có cơ bản tốt, điều hành tốt, minh bạch và có dòng tiền là lựa chọn. VinaCapital tư vấn cho doanh nghiệp rằng dòng tiền rất quan trọng, nếu ngân hàng cho mình một hạn mức tín dụng thì sử dụng hết đi vì tương lai rất quan trọng nhưng cân nhắc 12-36 tháng trả tiền, còn phải tích lũy lợi nhuận, hạn chế trả cổ tức, dùng để tái đầu tư.
Có nhiều kênh đầu tư, chúng ta nên đa dạng hoá các kênh. Và yếu tố quan trọng nhắc lại là lãi suất và thanh khoản thị trường.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN