Tuần qua, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở khá trầm lắng. NHNN đã bơm ròng gần 25 nghìn tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở. Thanh khoản dồi dào giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng dao động trong biên độ hẹp (3,8 – 4,0% cho kỳ hạn qua đêm và 4,3 - 4,7% trong khi đó ổn định ở các kỳ hạn dưới 1 tháng).
Trong phiên họp thường kỳ tháng 5, NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 chỉ đạt 3,17% so với cuối năm 2022, tương đương mức tăng gần 10% so với cùng kỳ (so với mức 17% vào cuối tháng 5/2022).
Trong đó, tăng trưởng chỉ đạt khoảng 35% hạn mức đầu năm đối với các NHTMNN và 50% đối với NHTMCP, cho thấy dư địa cho các NHTM mở rộng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 còn tương đối nhiều.
Theo SSI Research, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu với 3 nguyên nhân chính: đối với doanh nghiệp sản xuất có đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn khiến nhu cầu vay vốn giảm, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có tình hình tài chính suy yếu dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng và đối với doanh nghiệp bất động sản thì nhu cầu giảm sút do nhiều dự án gặp khó khăn pháp lý.
Nhìn chung, thông điệp của NHNN vẫn là nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất thực tế trên thị trường. Theo ước tính của SSI Research, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) hiện tại vào khoảng 12,5%/năm, giảm khoảng 220 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 nhưng vẫn cao hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với năm 2019.
Tương tự, theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS),
thị trường thế giới đã tiến gần đến mức lãi suất mục tiêu, nhưng vẫn còn khả năng Fed sẽ tiến hành hoặc phát đi tín hiệu về các đợt tăng lãi suất tiếp theo qua đó làm tăng mức độ bất định trên thị trường trong giai đoan này.
Còn trong nước, định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN năm 2023 là 14% - 15% trong khi duy trì dự báo 13%-15%. Tính đến hết tháng 5, tăng trưởng tín dụng đạt 3,17%, cho thấy sức hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế.
Lãi suất huy động tại hệ thống ngân hàng trong các tháng gần đây cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt với mức giảm trung bình 80-100 điểm tuỳ từng kỳ hạn, cá biệt mức điều chỉnh tại một số NHTM vừa và nhỏ lên tới 150 điểm-180 điểm. Đây là điều kiện cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn có độ trễ từ 3-6 tháng so với lãi suất huy động.
NHNN đã có cuộc họp với lãnh đạo cấp cao 26 ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng thương mại đồng thuận từ ngày 29/5, giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh có dấu hiệu chậm lại.
VCBS cho rằng, lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm nhiều hơn trong thời gian tới. Mặc dù vậy, mức giảm chậm hơn lãi suất huy động do độ trễ chính sách và có mức độ tập trung cao vào một số doanh nghiệp ngành nghề ưu tiên.
Trong khi đó, với việc lãi suất điều hành đã được NHNN điều chỉnh về mức thấp tương đồng với giai đoạn hỗ trợ dịch bệnh, dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành sẽ không còn nhiều nếu xét trên tổng thể các cân đối vĩ mô.
Theo Mirae Asset, NHNN đã và đang điều hành chính sách một cách chủ động, linh hoạt, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nói riêng và phục hồi tăng trưởng kinh tế nói chung.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý về trái phiếu doanh nghiệp, hệ thống tài chính nói chung cũng đang chịu áp lực khá lớn do một lượng lớn trái phiếu đáo hạn từ tháng 6 đến tháng 9; trong đó, gần 82 nghìn tỷ đến từ nhóm bất động sản. Hoạt động phát hành mới vẫn trầm lắng; tính đến 26/5/2023, tổng giá trị phát hành lũy kế từ đầu năm đạt 31.658 tỷ đồng (giảm 70% so cùng kỳ), theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA). Trong 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp tiếp tục tích cực mua lại trái phiếu trước hạn, tăng 62,4% so cùng kỳ lên 68.130 tỷ đồng.