Trong 774 doanh nghiệp kể trên, có 279 doanh nghiệp tăng lãi, 372 doanh nghệp giảm lãi, 87 doanh nghiệp lỗ thêm, 36 doanh nghiệp giảm lỗ. Tính tổng mức chênh lệch, tổng lãi ròng của 774 doanh nghiệp này giảm hơn 3.2 ngàn tỷ đồng sau kiểm toán.
Xuất hiện doanh nghiệp tăng lãi gấp gần 43 lần
Dẫn đầu danh sách tăng lãi là CTCP Hồng Hà Việt Nam (UPCoM: PHH) khi lãi ròng của Công ty sau kiểm toán gấp gần 43 lần so với báo cáo tự lập, với hơn 2 tỷ đồng. Theo giải trình, nguyên nhân chênh lệch đột biến trên là do thời điểm làm báo cáo tự lập, Công ty chưa xử lý hợp nhất công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu.
Dù lãi tăng do hợp nhất BCTC, kiểm toán đã từ chối đưa ý kiến đối với BCTC của PHH. Nguyên nhân do kiểm toán viên không thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp về khoản thanh toán hơn 77 tỷ đồng theo hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa PHH và ông Nguyễn Tất Lạc; khoản phải thu khác hơn 11 tỷ đồng của Công ty TNHH Hồng Hà Phong Thịnh; khoản phải thu khách hàng hơn 2 tỷ đồng; và khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính tại CTCP Kinh doanh Tổng hợp Việt Lào.
Trong 279 doanh nghiệp tăng lãi, chỉ có 1 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi sau kiểm toán là CTCP Tập đoàn Thành Nam ( TNI) từ lỗ ròng gần 46 triệu đồng sang lãi hơn 259 triệu đồng, nhờ chi phí quản lý giảm từ 18.5 xuống còn 18.1 tỷ đồng.
Top 20 doanh nghiệp tăng lãi ròng mạnh nhất sau kiểm toán (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Ông lớn ngành nông nghiệp giảm lãi
Bên cạnh doanh nghiệp tăng lãi, một lượng lớn doanh nghiệp lãi giảm sau kiểm toán.
Doanh nghiệp có mức giảm mạnh nhất là CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) khi 94% lợi nhuận “bốc hơi” so với báo cáo tự lập, tương đương mất 248 tỷ đồng, chỉ còn 17 tỷ đồng.
Theo giải trình của Công ty, chênh lệch lợi nhuận xuất phát từ các yếu tố như doanh thu điều chỉnh giảm hơn 19 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán tăng gần 16 tỷ đồng, do loại trừ chiết khấu thương mại và giá vốn từ các giao dịch bán hàng nội bộ Tập đoàn chưa được phản ánh phù hợp ở báo cáo tự lập. Khoản lãi từ công ty liên kết giảm 315 tỷ đồng đến từ việc loại trừ lãi từ giao dịch giá rẻ, do việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tự lập, và phần loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ Tập đoàn.
Cụ thể, vào ngày 16/2/2023, LTG hoàn tất mua cổ phần CTCP Lương Thực Lộc Nhân và nâng sở hữu lên 49%. Tại BCTC hợp nhất giữa niên độ, LTG cho biết khoản lãi gần 316 tỷ đồng được xác định tạm thời dựa trên giá trị sổ sách của tài sản thuần Lộc Nhân tại ngày mua. Tập đoàn sẽ thực hiện các điều chỉnh cần thiết khi hoàn thành đánh giá chính thức giá trị hợp lý của tài sản thuần mua về này.
Một doanh nghiệp đáng chú ý khác là CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB) khi lợi nhuận giảm gần 7 tỷ đồng sau kiểm toán, tương ứng giảm 78%, qua đó chỉ còn lãi xấp xỉ 2 tỷ đồng trong năm 2023. NBB cho biết, nguyên nhân là phải trích lập các khoản phải thu khó đòi và trích thêm lãi chậm nộp thuế.
Top 20 doanh nghiệp giảm lãi ròng mạnh nhất sau kiểm toán (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Lỗ thêm lỗ
Dù giảm lãi, các doanh nghiệp kể trên vẫn may mắn hơn những doanh nghiệp tăng lỗ sau kiểm toán.
Doanh nghiệp có mức lỗ tăng thêm nhiều nhất là CTCP Tập đoàn Nova Consumer (UPCoM: NCG) khi lỗ thêm 681 tỷ đồng hậu kiểm toán, qua đó đẩy mức lỗ ròng năm 2023 lên 930 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc chi phí quản lý tăng thêm. Được biết, chiếm phần lớn trong hơn 1 ngàn tỷ đồng chi phí quản lý của NCG là các khoản dự phòng nợ khó đòi hơn 862 tỷ đồng.
Xếp sau NCG là Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) khi lỗ thêm 478 tỷ đồng, nâng mức lỗ ròng cả năm lên 595 tỷ đồng. Nguyên nhân là theo nguyên tắc thận trọng của chuẩn mực kế toán, DLG phải trích lập khoản dự phòng phải thu khó đòi đối với các công nợ quá hạn, số tiền 511 tỷ đồng, tăng thêm 423 tỷ đồng so với trước kiểm toán. Điều này đã đưa chi phí quản lý doanh nghiệp vọt lên 658 tỷ đồng, gần gấp 3 lần số tự báo cáo, trực tiếp dẫn đến mức lỗ ròng gần 600 tỷ đồng kể trên.
Top 20 doanh nghiệp tăng lỗ sau kiểm toán
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Thống kê cũng cho thấy, có 10 doanh nghiệp chuyển lãi thành lỗ sau khi công bố BCTC kiểm toán. Đáng chú ý nhất là TTF lỗ ròng hợp nhất sau kiểm toán 134 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập lãi 11 tỷ đồng. Với kết quả này, TTF lỗ lũy kế tới hơn 3,225 tỷ đồng, tính đến hết năm 2023.
Sự chênh lệch chủ yếu đến từ khoản lỗ khác 70 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập trước đó ghi lãi 18 tỷ đồng. Nguyên nhân do Công ty ghi nhận thêm chi phí phạt thuế hơn 40 tỷ đồng cùng với lỗ từ xóa sổ và thanh lý tài khoản hơn 39 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, vào ngày 20/9/2023 và 19/1/2024, nhóm Công ty gửi 2 công văn cho Cục Thuế tỉnh Bình Dương để giải trình chênh lệch đối với một vài khoản mục mà nhóm Công ty không đồng ý với kết quả thanh tra thuế giai đoạn 2012 - 2022, chủ yếu liên quan đến việc định giá lại tài sản và cấn trừ nợ vay, chi phí lãi vay với Ngân hàng TMCP Việt Á.
Nhóm Công ty yêu cầu Cục Thuế tỉnh xem xét sửa đổi các quyết định liên quan đến việc yêu cầu nhóm Công ty nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và lãi chậm nộp số tiền lần lượt gần 19 tỷ đồng và gần 13 tỷ đồng. Vào ngày lập BCTC hợp nhất 2023, TTF vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ Cục Thuế tỉnh Bình Dương.
Ngoài chênh lệch từ lợi nhuận khác, một số chi phí như giá vốn hàng bán tăng 2%, chi phí bán hàng tăng 3%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 12% là những yếu tố khiến TTF lỗ ròng sau kiểm toán.
Tương tự, CTCP Vạn Phát Hưng (HOSE: PVH) từ lãi hơn 4 tỷ đồng thành lỗ ròng 852 triệu đồng, qua đó đánh dấu năm báo lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết.
VPH cho biết, có 3 nguyên nhân chính khiến số lãi bị điều chỉnh giảm là giá vốn hàng bán bất động sản của khoản chi phí dự án trích trước nay đã thực hiện tăng 17.5%, lên 29.5 tỷ đồng.
Tương tự, chi phí xây dựng cơ bản dở dang các năm trước hợp lý nhưng không hợp lệ vào kết quả kinh doanh trong kỳ cũng tăng theo. Cuối cùng là do điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng giá vốn tăng thêm.
10 doanh nghiệp có lãi chuyển thành lỗ sau kiểm toán (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|