Sau nhiều lần trì hoãn, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã: TAR) vừa công bố BCTC soát xét bán niên 2023 được đơn vị kiểm toán ký ngày 22/2.
Theo đó, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán phía Nam (AASCS) từ chối đưa ra kết luận với BCTC bán niên của Gạo Trung An.
Cụ thể, AASCS cho biết Gạo Trung An đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về các vấn đề được kêu trong kết luận thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 13/9/2023 bao gồm: chủ sở hữu của 15 triệu cổ phiếu TAR trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty; việc lập hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ năm 2021; thông tin liên quan đến số liệu hàng tồn kho công bố trên BCTC năm 2022 được kiểm toán với giá trị hơn 1.255 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán không thể đánh giá và định lượng mức độ ảnh hưởng của các vấn đề này đến BCTC 6 tháng đầu năm 2023 của công ty. Cho đến thời điểm phát hành báo cáo soát xét các vấn đề nêu trên vẫn chưa được xử lý và tiếp tục ảnh hưởng đến BCTC 6 tháng đầu năm của công ty.
Công ty khẳng định không có bất kỳ sự kiện nào gây ra sự nghi ngờ lớn về khả năng hoạt động liên tục và không có ý định cũng như buộc phải ngừng hoạt động, hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.
Gạo Trung An đã trì hoãn công bố BCTC soát xét bán niên 2023 nhiều lần và liên tục bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nhắc nhở. Đến ngày 25/10/2023, HNX thông báo chuyển cổ phiếu TAR vào diện bị hạn chế giao dịch. Ngày có hiệu lực từ 30/10/2023.
Gạo Trung An được thành lập từ 1996, hoạt động trong lĩnh vực gia công chế biến, kinh doanh và xuất khẩu gạo. Đến 2019, công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch tại HNX với vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Công ty tăng vốn lên 783 tỷ đồng thông qua các đợt chia cổ phiếu và một đợt phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu vào 2021.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tự lập, năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu tăng 18% so với năm trước lên 4.485 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm, chi phí lãi vay tăng cao khiến công ty lỗ ròng 17 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 68 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm, công ty có 14 tỷ đồng tiền mặt, tương đương đầu năm. Khoản phải thu tăng vọt từ 620 tỷ lên 1.076 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm từ 1.420 tỷ xuống 1.078 tỷ đồng.
Gạo Trung An có khoản nợ vay hơn 1.550 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 1,24 lần.