Nhà đầu tư chứng khoán phải làm gì khi cổ phiếu điều chỉnh?

Ở khía cạnh tâm lý, các nhà đầu tư đều trải qua cảm giác tiêu cực khi nắm cổ phiếu trong giai đoạn giảm giá. Khi giá hồi phục về gần mức hòa vốn, những người này thường có xu hướng bán ra.
Do đâu có sự điều chỉnh của cổ phiếu?
Giống như người leo núi cần nghỉ ngơi giữa chặng đường, một cổ phiếu luôn sẽ xuất hiện các đợt điều chỉnh trong quá trình chinh phục những mốc giá cao hơn. Các lý do xuất hiện sự điều chỉnh có thể kể đến:
Lực bán chốt lời từ người mua giá thấp: Sau giai đoạn tăng giá, một số nhà đầu tư (NĐT) mua được giá thấp sẽ bắt đầu tiến hành chốt lời, thu lợi nhuận. Lực bán chốt lời của nhóm NĐT này sẽ hình thành nguồn cung cản trở đà tăng của giá cổ phiếu.
Lực bán “thoát hàng” từ NĐT mua giá cao: Một cổ phiếu tăng từ mức thấp lên sẽ còn phải đối diện với lực bán đến từ những NĐT “kẹp hàng” giá cao. Ở khía cạnh tâm lý, các NĐT này đều trải qua cảm giác tiêu cực khi nắm cổ phiếu trong giai đoạn giảm giá. Khi giá hồi phục về gần mức hòa vốn, những NĐT này thường có xu hướng bán ra để tránh nỗi đau tâm lý.
Áp lực bán khi thị trường chung điều chỉnh: Có tới 8 trên 10 cổ phiếu sẽ di chuyển cùng chiều với thị trường chung. Vì thế nếu thị trường chung đang đối diện sự rung lắc, nhiều khả năng cổ phiếu Anh/Chị đang đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Điều chỉnh là tốt hay xấu?
Theo chuyên gia Jesse Livermore, một cổ phiếu đôi khi cần thời gian để củng cố và xây dựng lại một nền giá vững chắc trước khi vượt lên. Quá trình tích lũy này cho phép cổ phiếu nghỉ ngơi và tạo cơ hội cho giá trị nội tại của cổ phiếu (doanh số và lợi nhuận của doanh nghiệp) bắt kịp với mức định giá của cổ phiếu. 
Một đợt điều chỉnh thường là tốt, bởi nó giúp cổ phiếu được “nghỉ ngơi” sau hành trình tăng giá. Trong đợt điều chỉnh này, nếu triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp còn đủ hấp dẫn, cổ phiếu sẽ tiếp thu hút được dòng tiền mua vào của các nhà đầu tư khi giá chiết khấu đủ sâu (thường khoảng 8 – 15% so với mức cao gần nhất). Quá trình này được gọi là sự tái tích lũy.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận với các cổ phiếu tăng giá không kèm nội tại, hoặc cổ phiếu đã hết chu kỳ tăng trưởng. Lúc này, những đợt chỉnh giảm và kéo tăng sẽ được hiểu theo nghĩa phân phối – tức động thái thoát hàng từ dòng tiền thông minh.
Cập nhật cổ phiếu IDC
Nha dau tu chung khoan phai lam gi khi co phieu dieu chinh?
 
Bối cảnh hiện tại:
Trong 5 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu IDC liên tục xuất hiện lực cung. Khối lượng phiên giảm cao hơn khối lượng phiên tăng là dấu hiệu cảnh báo cần lưu ý.
Giá cổ phiếu IDC đã tăng gần 30% kể từ nền giá gần nhất, và có thời điểm cách đỉnh chỉ 18%. Như đã đề cập ở phần 1, Việc điều chỉnh hiện tại của cổ phiếu là điều có thể hiểu được khi xét theo khía cạnh tâm lý hành vi.
Thị trường chung cũng đang chịu áp lực rung lắc khi tiến sát kháng cự mạnh 1300 điểm.
Đối với ngành Khu công nghiệp, các lý do thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn tiếp tục được duy trì (Anh/Chị có thể đọc lại tại đây). Triển vọng kinh doanh của IDC vẫn duy trì tích cực trong thời gian tới nhờ vào quỹ đất sẵn sàng cho thuê dồi dào ở khu vực phía Nam.
Với việc chất xúc tác vẫn còn, em cho rằng cổ phiếu IDC nói riêng và ngành KCN nói chung vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng giá trong dài hạn. Tuy nhiên trong ngắn hạn, giá cổ phiếu sẽ còn chịu áp lực điều chỉnh trước khi tìm lại được điểm cân bằng.
Kịch bản khi cổ phiếu điều chỉnh
Khi giá điều chỉnh, các đường chỉ báo xu hướng sẽ trở thành hỗ trợ quan trọng đối với cổ phiếu. Phản ứng của giá tại các mốc này sẽ cho chúng ta biết “độ khỏe” của cổ phiếu, góp phần giúp dự báo các kịch bản có thể xảy ra. 
IDC hiện đang có 2 mốc hỗ trợ: 62.3 tại đường EMA21 ngày, và 57.4 tại đường MA50 ngày.
Lực bán hiện xuất hiện rất mạnh quanh mốc 61-62. Cần thận trọng trước khả năng ngưỡng hỗ trợ tại EMA21 ngày có thể bị xuyên thủng khi lượng hàng bắt đáy phiên 29/08 về tài khoản trong chiều nay. 
Trong trường hợp IDC đánh mất hỗ trợ tại đường EMA21 ngày, vùng 56-58 tại đường MA50 ngày sẽ là mốc hỗ trợ tiếp theo. Đây là ngưỡng hỗ trợ quan trọng, và chúng ta có thể kỳ vọng cổ phiếu sẽ sớm tìm thấy được sự cân bằng.
Đường MA50 ngày vẫn duy trì dốc lên và chưa có sự bo ngang cho thấy xu hướng tăng của cổ phiếu vẫn đường duy trì.
Tuy nhiên, nếu IDC đánh mất đường MA50 ngày, đây sẽ là tín hiệu xấu đối với giá cổ phiếu. Vì vậy, Anh/Chị không nên vội mua khi giá cổ phiếu rơi về vùng 56-58 mà hãy kiên nhẫn chờ đợi hành động giá “quả bóng tennis” (Giá rơi về hỗ trợ mạnh, sau đó bật tăng kèm thanh khoản tăng vọt)
Hướng hành động
Mặc dù triển vọng dài hạn duy trì tích cực, hành động bắt đáy cổ phiếu IDC nên được tiến hành thận trọng. Chúng ta chỉ mua khi thỏa các điều kiện sau:
Cổ phiếu rơi về hỗ trợ quan trọng, sau đó BẬT TĂNG KÈM THANH KHOẢN LỚN HƠN TRUNG BÌNH 3 PHIÊN GẦN NHẤT. (Giá nên đóng cửa gần mức cao nhất ở phiên bật tăng để thể hiện phe mua chiếm ưu thế).
Có sự đồng thuận tăng ở các CP khác cùng ngành trong phiên bật tăng.
Thị trường có dấu hiệu ngừng rơi, không có hiện tượng bán tháo ở các nhóm ngành khác.
Trần Tấn Thịnh (Công ty chứng khoán SSI)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN