Những dữ liệu dưới đây cho thấy tổn thất mà kinh tế Trung Quốc phải gánh chịu cũng như dự báo viễn cảnh mà các nước đang chống dịch cũng sẽ phải đối mặt sau đó.
Cuộc suy thoái đi vào lịch sử
Hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc chậm lại đáng kể từ khi Covid-19 lây lan. Tuy đã vượt qua cú shock ban đầu do cách ly, đình trệ kinh doanh và sản xuất nhiều tháng, quốc gia này phải đối mặt với các trở ngại khác:
- Nhu cầu nội địa chưa cao do dư chấn tâm lý, phá sản và mất việc. Trong khảo sát do một công ty tài chính ở Bắc Kinh thực hiện, gần 65% người được hỏi có kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" sau khi đại dịch quét qua.
- Cầu xuất khẩu bị ảnh hưởng khi nhiều nước vẫn đang phải đối mặt với dịch bệnh. Nhiều cửa hàng đóng cửa, hủy đơn, dẫn đến việc thừa thãi nguồn cung.
Việc kinh tế hồi phục nhanh chóng là điều khó có thể xảy ra, nhiều chuyên gia dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ suy giảm trong quý I năm 2020, lần suy giảm đầu tiên kể từ năm 1976. Câu hỏi đặt ra là liệu các nước khác có lâm vào tình cảnh tương tự không? Khả năng cao điều này sẽ xảy đến dựa theo số liệu kinh tế.
Mỹ
Hơn nửa dân số nước Mỹ đang có lệnh ở tại nhà, dẫn đến hoạt động kinh tế bị hạn chế và sa thải hàng loạt. Tính đến ngày 21/3, tỷ lệ đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp lên đến gần 3,3 triệu, con số chưa từng thấy trong lịch sử.
Nền kinh tế vừa mới rơi xuống vực và đang dần biến thành một cuộc suy thoái.
Chris Rupkey, nhà kinh tế học tại MUFG, New York, Mỹ
Toàn cầu
Các quốc gia khác cũng bị gánh nặng Covid-19 đè lên vai. Chẳng hạn như việc đặt phòng trực tuyến đã giảm 100% so với cùng kỳ năm trước. Tại Canada, gần 1 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Những nơi chịu tổn thất nặng nề như Ý hay Tây Ban Nha vốn đã có tỷ lệ thất nghiệp cao từ trước, nay sẽ phải gánh thêm hậu quả kinh tế. Tuy nhiên, còn quá sớm để đánh giá thiệt hại Covid-19 để lại lên nền kinh tế của các quốc gia này.
Hy vọng phía cuối con đường
Với nhiều nơi trong tình trạng "bế quan tỏa cảng", IMF dự báo cuộc suy thoái toàn cầu sẽ xảy ra vào năm 2020, trong đó đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại 2.000 tỷ USD. Vài chuyên gia hy vọng rằng mọi thứ sẽ dần trên đà hồi phục vào quý III năm 2020. Việc chính phủ ra các gói kích thích kinh tế, niềm tin người tiêu dùng và số trường hợp mắc Covid-19 sẽ đóng vai trò lớn trong thời gian này.