Giới phân tích cho rằng hầu hết doanh nghiệp tỉ đô la của Việt Nam hôm nay, bao gồm cả những doanh nghiệp đã niêm yết hoặc nằm ngoài sàn chứng khoán, đều đã trải qua chặng đường đầy gian nan và thách thức. Bên cạnh mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán để minh bạch, công khai tài chính, hiệu quả kinh doanh thì một mong muốn lớn hơn của cộng đồng kinh doanh đó là ý chí vươn lên, nỗ lực không ngừng tìm những động lực phát triển mới, từ đó có thể kỳ vọng thế hệ doanh nghiệp tỉ đô la sẽ tiếp tục đưa những thương hiệu Việt vươn xa trên thị trường quốc tế.
|
Cuốn sách của ái nữ nhà Tân Hiệp Phát tiết lộ doanh nghiệp này được định giá 2,5 tỉ đô la nhưng mọi thông tin về dòng tiền kinh doanh không phải ai cũng biết do doanh nghiệp này chưa lên sàn. Ảnh minh họa: THP |
Trong Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2019, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 phải đạt mốc bằng 100% GDP (hiện nay tỷ lệ này bằng 80% GDP).
Mục tiêu trên phụ thuộc vào hai yếu tố: giá cổ phiếu và số lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn. Nhưng để khối doanh nghiệp đáp ứng bằng 20% GDP còn lại chuyển lên sàn chứng khoán vẫn là một bài toán khó. Trong đó, các doanh nghiệp theo mô hình quản trị gia đình vẫn là những đơn vị có lý do để “cố thủ” lâu nhất.
Duy trì sự tiến hóa theo trục dọc
Loại trừ những doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa và các ngân hàng thương mại có “deadlines” (thời hạn) lên sàn thì nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn vẫn đang chưa mặn mà trong việc lên sàn. Có thể kể đến những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, thậm chí được định giá lên đến hàng tỉ đô như Tân Hiệp Phát, Tập đoàn IPP, Trung Thủy Group, Ba Huân, Bitis…
Hầu như trong số họ, không nhiều doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn trên sàn vì lượng tiền mặt được tích lũy khá dày. Với mô hình quản trị xoay quanh trục dọc của gia đình thì việc lên sàn chứng khoán có thể khiến họ sợ về việc “phân nhánh” quyền kiểm soát. Hay những giá trị văn hóa, bí kíp kinh doanh có thể bị pha loãng sẽ dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp.
Câu chuyện lùm xùm của Công ty Ba Huân và Quỹ đầu tư Vinacapital cách đây hai năm là một trường hợp cho thấy doanh nghiệp khối này chưa sẵn sàng với thị trường vốn. Dù với mô hình hợp tác nào cũng khiến họ nảy sinh tâm lý lo sợ về việc “mất cơ đồ” sau nhiều năm gầy dựng. Với trường hợp của Ba Huân có lẽ việc lên sàn sẽ tương đối phức tạp đối với họ.
Không phải việc thu mình lại sau khi thử tiếp cận vốn từ các nhà đầu tư như Ba Huân, có nhiều doanh nghiệp chỉ cần đề cập đến việc niêm yết đã khẳng định ngay là “không có nhu cầu”. Trường hợp này có thể kể đến Công ty Nệm cao su Kymdan hay Công ty TNHH sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s).
Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch Công ty Nệm cao su Kymdan, từng cho rằng có không ít đối tác nước ngoài, sản xuất cũng có, đầu tư tài chính cũng có, đặt vấn đề hợp tác làm ăn, góp vốn, nhưng ông đều từ chối. Kế hoạch lên sàn cũng không được xây dựng dù rằng công ty nhận thức được việc hiệu quả về quản trị khi niêm yết.
Lý do không niêm yết của Kymdan rất đơn giản, bí quyết công thức sản xuất nệm cao su được cha ông Trí phát minh và đăng ký bản quyền cả trong và ngoài nước. Công thức ấy là tài sản gia truyền của gia đình, ông Trí không muốn chia sẻ nó với bất kỳ người ngoài, đối tác nào. Cho đến giờ, Kymdan vẫn không niêm yết.
Trong khi đó, bà Lai Khiêm, Phó tổng giám đốc Biti’s, cũng nhìn nhận việc lên sàn không được doanh nghiệp tính đến, việc kêu gọi góp vốn đầu tư cũng vậy, dù có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề. Tính chất sản phẩm của doanh nghiệp cũng chỉ hướng đến việc bắt tay với các nhà sản xuất khác để tìm hiểu quy trình công nghệ chứ không có nhu cầu mở rộng về quy mô vốn.
Việc ẩn mình của các doanh nghiệp gia đình khiến cho việc tìm hiểu về lớp lang tài chính hay quản trị của họ trở nên khó khăn hơn. Hai năm trước quyển sách “Competing with giants” của ái nữ nhà Tân Hiệp Phát xuất bản cũng đã tiết lộ chi tiết doanh nghiệp này được tập đoàn lớn ở Mỹ đặt vấn đề mua bán với mức định giá 2,5 tỉ đô la. Đây có thể là thông tin duy nhất về quy mô doanh nghiệp mà nhà đầu tư có thể tiếp cận được.
Vì là công ty chưa niêm yết nên nhiều nhà đầu tư tò mò kiểm chứng thông tin cũng trở nên khó khăn. Bởi những thông tin về báo cáo tài chính dường như bị “khóa chặt”. Tân Hiệp Phát là công ty dạng gia đình với cổ đông chính là vợ chồng ông Trần Quí Thanh và hai cô con gái.
Trong khi thành viên ban lãnh đạo Tân Hiệp Phát chi tiền đầu tư trên sàn rất nhiều, thậm chí đã xuất hiện các giao dịch lớn, nhưng việc niêm yết doanh nghiệp vẫn chưa bao giờ được đề cập.
Vận hành chéo hệ sinh thái tỉ đô la
Không hoàn toàn ẩn mình như các doanh nghiệp gia đình kể trên, trên thương trường Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp vận hành dưới hai nửa bức tranh sáng – tối với mô hình Holdings. Không lên sàn nhưng xây dựng cho mình một hệ sinh thái tỉ đô với những công ty cổ phần có quan hệ sở hữu chồng chéo. Ở dạng thức này có thể kể đến các tập đoàn như Vạn Thịnh Phát, Liên Thái Bình Dương, Trung Thủy Group…
Với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, giới đầu tư xem như một đế chế bí ẩn của gia tộc họ Trương. Vạn Thịnh Phát được sở hữu và điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hong Kong. Dù không niêm yết nhưng quy mô của doanh nghiệp này được đánh giá rất lớn thông quả “giỏ hàng” dự án bất động sản tỉ đô, án ngự ở hầu hết các khu đất vàng ở trung tâm TPHCM.
Ngoài quy mô tài sản, tập đoàn này là trung tâm của một loạt công ty có sở hữu chồng chéo phức tạp. Một trong những đặc điểm chung hiếm hoi của các công ty trong hệ thống Vạn Thịnh Phát là hầu hết đều có quy mô vốn điều lệ rất lớn, từ vài ngàn đến vài chục ngàn tỉ đồng.
Các công ty trong hệ thống Vạn Thịnh Phát không sở hữu tên gọi hay nhận diện chung, cũng như không có sự sở hữu tập trung mà sở hữu chéo lẫn nhau tương đối phức tạp. Nhiều người vì các công ty có liên quan trong hệ thống của tập đoàn này gần như là những “quản gia” đảm trách việc “đi chợ” và cai quản các dự án.
Hay với tập đoàn IPP, nhà phân phối nhiều hàng hiệu nhất tại Việt Nam, tập đoàn này cũng là công ty tư nhân lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không với các cửa hàng miễn thuế.
Hệ sinh thái của tập đoàn này gồm 7 công ty thành viên và 18 công ty liên kết, vận hành xoay quanh 4 thành viên của gia đình doanh nhân. Trong đó, ông Hạnh Nguyễn, giữ ghế Chủ tịch HĐTV; vợ ông là bà Lê Hồng Thủy Tiên đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc điều hành và 2 người con trai Louis Nguyễn và Phillip Nguyễn giữ vị trí phó tổng giám đốc.
Dù không công bố doanh thu hợp nhất, tuy nhiên vì thực hiện nhiều thương vụ đầu tư nên kết quả kinh doanh của một công ty con vẫn được cởi mở. Tính đến cuối năm 2018, IPP Group cho biết tập đoàn đã đầu tư hơn 500 triệu đô la thông qua 30 dự án lớn, nhỏ tại Việt Nam. Trong đó đáng kể nhất vẫn là sự gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực hàng không với Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Công ty này cũng đem lại doanh thu đều đặn trên 2.000 tỉ đồng mỗi năm cho IPP.
Đây chỉ là những doanh nghiệp có quy mô lớn, vận hành xoay quanh việc nâng đỡ lẫn nhau trong hệ sinh thái của riêng mình. Có thể việc lên sàn không mang nhiều ý nghĩa về vốn lẫn quản trị đối với họ. Hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp tương tự như vậy ẩn mình dưới sàn với khối tài sản khổng lồ.
Niêm yết hay không niêm yết vẫn là câu hỏi khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ đắn đo. Tuy vậy với những doanh nghiệp gia đình có bề dày kinh doanh thì triết lý kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, khả năng ra quyết định vẫn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Vấn đề lên sàn với họ có lẽ không còn quan trọng bằng việc duy trì sự ổn định.
Rõ ràng, niêm yết là một bước tiến chiến lược đối với doanh nghiệp, giúp gia tăng uy tín, vốn dài hạn và tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng văn hóa “gia đình trị” có thể gặp nhiều khó khăn khi niêm yết, khi họ phải chấp nhận thay đổi sang văn hóa quản trị đa dạng hướng tới sự minh bạch khi có sự tham gia của các cổ đông bên ngoài.
Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp gia đình của Công ty Deloitte Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp tư nhân sở hữu bởi một số ít cổ đông hay của gia đình, ít bị áp lực giám sát, yêu cầu minh bạch theo quản trị (ví dụ chế độ báo cáo, sổ sách kế toán tài chính), loại được khả năng bị thâu tóm, và tăng tốc độ của việc đưa quyết định.
Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh, Giám Đốc Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán MayBank KimEng cho biết, việc lên sàn có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người lãnh đạo, khó kiểm soát công ty hơn do nhiều cổ đông có tiếng nói hơn trước. Doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều nguyên tắc và quy định hơn nên nhiều thông tin hoặc bí mật kinh doanh đôi khi không được phép nắm giữ hoặc che dấu vì có thể sai phạm vì giao dịch nội gián.
Do đó, các doanh nghiệp đứng trước bài toán phải phát triển mở rộng, cần phải cân nhắc kỹ càng những rủi ro và thách thức để đưa ra lựa chọn chiến lược tối ưu và phù hợp với tầm nhìn phát triển dài hạn và văn hóa của doanh nghiệp mình. Với doanh nghiệp gia đình họ có “thành trì” để bảo vệ và việc “phân nhánh” quản trị, pha loãng văn hóa doanh nghiệp có thể là điều khó chấp nhận.