Theo báo cáo phân tích cổ phiếu VPB của SSI Research vừa công bố, việc IPO/chuyển nhượng thành công cổ phần của công ty con FeCredit trong năm 2021 sẽ giúp nhà băng này củng cố bảng cân đối kế toán và vị thế để giải quyết các tài sản có vấn đề tốt hơn.
Gần đây, VPB đã đàm phán lại với một đối tác quan trọng và hy vọng có thể thành công trong 5-6 tháng tới, nhờ đó thương vụ này có thể hoàn thành trong Q3/2021. Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng định giá FeCredit ở mức trên 3 lần PB.
Nhờ đó, VPBank sẽ có thêm thu nhập từ IPO FeCredit.
Trong 9T2020, tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy bởi khách hàng doanh nghiệp do ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các khoản vay tín chấp. Theo ban lãnh đạo VPBank, cho vay bán lẻ sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại trong Q4/2020 và năm 2021.
FeCredit ước tính có thể nới lỏng tiêu chí cho vay nghiêm ngặt hiện nay khi đội ngũ quản trị rủi ro của Công ty cảm thấy môi trường kinh doanh đã phù hợp để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trở lại.
Nhu cầu thị trường vẫn mạnh mẽ đến trong 9 tháng đầu năm 2020, nhưng FeCredit đã chủ động thắt chặt giải ngân các khoản vay mới để kiểm soát rủi ro tín dụng. Tăng trưởng được kỳ vọng sẽ hồi phục vào năm 2021 ở mức từ 10% -15% mỗi năm.
Với những phân tích đó, SSI Research tiếp tục cho rằng áp lực trích lập dự phòng tại VPB sẽ chuyển sang năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi, SSI tăng giả định tỷ lệ thu hồi nợ tái cấu trúc tăng từ 70% lên 75%.
Theo đó, chi phí dự phòng cho năm 2020 và 2021 ước tính giảm còn 14,9 nghìn tỷ đồng và 17,8 nghìn tỷ đồng, từ dự báo trước đó là 15,4 nghìn tỷ đồng và 18,2 nghìn tỷ đồng.
Do đó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 và 2021 ước tính đạt 10,8% và 10,1% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 11,4 nghìn tỷ đồng và 12,6 nghìn tỷ đồng.