“Trong 9 tháng đầu năm, về cơ bản, các Bộ, ngành đã thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá. Các chỉ số CPI trong 9 tháng qua cho thấy công tác điều hành giá đang đi đúng hướng, đây là những chỉ số thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Nếu không có gì thay đổi, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát CPI năm 2019 xoay quanh ngưỡng 3,2 - 3,5%, dư địa này vẫn có thể điều chỉnh giá một số dịch vụ công trong quý IV/2019. Đồng thời tạo thêm dư địa cho việc điều hành lạm phát cả năm theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá nhận định tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá vừa được tổ chức tại Văn phòng Chính phủ vào sáng 27/9/2019.
9 tháng đầu năm CPI dự kiến tăng 2,52%
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong quý III, CPI so với tháng trước đều tăng, tháng 7 tăng 0,18%, tháng 8 tăng 0,28%, tháng 9 ước tăng từ 0,4 – 0,6%. Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI trong quý III vẫn thấp hơn dự báo.
Các kịch bản dự báo cho thấy CPI năm 2019 sẽ tăng thấp hơn năm 2018. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng khoảng 2,52%.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá biểu dương nhóm giúp việc và các Bộ, Ngành đã tham mưu và thực hiện đúng chỉ đạo nên công tác điều hành đi đúng hướng
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, lạm phát cơ bản dự báo diễn biến ổn định trong quý 4, kết thúc năm 2019 sẽ trong khoảng 1,92% - 2,0%.
Các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong Quý III/2019 là do một số mặt hàng tăng giá theo quy luật như giá một số nhóm hàng tiêu dùng trong dịp nghỉ hè, nghỉ lễ 2/9 và Trung thu. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn giảm, giá thịt lợn tăng; Giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo mức tăng thêm của lương cơ bản; Giá một số vật liệu xây dựng tăng và giá nhân công tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng.
Bên cạnh đó, các nguyên nhân chủ yếu làm giảm áp lực lên mặt bằng giá lại do giá lương thực giảm, giá xăng dầu và giá gas cũng có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, với việc các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng công tác theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình giá cả thị trường trong và ngoài nước các mặt hàng thiết yếu để có phản ứng chính sách kịp thời góp phần ổn định tâm lý thị trường, kiểm soát lạm phát kỳ vọng, chủ động tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường và kịch bản Ban Chỉ đạo đã đề ra trong từng quý.
Ông Tuấn cho biết, theo nhận định của Ban chỉ đạo điều hành giá, với diễn biến CPI quý 3 tiếp tục tăng thấp hơn dự báo, để CPI bình quân cả năm tăng lên mức 4% là giới hạn mục tiêu cho phép, trong ba tháng còn lại giả định nếu CPI tháng sau tăng hơn tháng trước một tỷ lệ như nhau thì mỗi tháng CPI ước sẽ tăng đều + 3,1%/tháng. Trường hợp này trong thực tế khó xảy ra trong điều kiện giá cả những tháng cuối năm không có biến động quá bất thường.
Nhận định của nhóm giúp việc ban chỉ đạo điều hành giá cho thấy, giá thịt lợn có khả năng sẽ tăng thêm 10% trong quý 4, giá xăng dầu và giá gas có thể tăng thêm 10-15%. Việc điều chỉnh giá điện bình quân trong tháng 3 tiếp tục tác động các tháng còn lại khoảng + 0,1%. Các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế không bảo hiểm theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng trong các tháng cuối năm. Rủi ro, thiên tai bão lũ tác động tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại các địa phương bị ảnh hưởng, điều chỉnh phí quản lý trong dịch vụ khám chữa bệnh vào tháng 12.
Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước đều dự báo năm 2019 ở mức thấp hơn mục tiêu trong đó Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân năm 2019 so với 2018 tăng 2,65% - 2,8% so cùng kỳ và tăng 3,9% - 4,8% so tháng 12/2018. Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI bình quân năm 2019 trong khoảng 2,7 (+- 0,3%).