Hàng loạt công ty con của Vicem có lỗ lũy kế cả ngàn tỷ đồng

Hai doanh nghiệp xi măng thua lỗ về với Vicem vẫn đang oằn vai với khoản lỗ lũy kế trên 3.928 tỷ đồng.

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) là 1 trong 93 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa trước năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để về đích cổ phần hóa đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Vicem đang rốt ráo triển khai một loạt nhiệm vụ lớn, trong đó có câu chuyện xử lý các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ và thoái vốn đầu tư ngoài ngành…

Hang loat cong ty con cua Vicem co lo luy ke ca ngan ty dong

Công cuộc tái cơ cấu, giảm lỗ tại Xi măng Hạ Long và Sông Thao còn chật vật với Vicem.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng, Vicem đã thực hiện tiếp nhận Công ty CP Xi măng Hạ Long vào năm 2016 và Công ty CP Xi măng Sông Thao vào năm 2017. Điểm chung của 2 doanh nghiệp này là làm ăn thua lỗ, mất vốn, tỷ lệ vay nợ lớn...

Với khoản lỗ lũy kế tại thời điểm tiếp nhận về Vicem là 3.639 tỷ đồng, Xi măng Hạ Long hiện mới chỉ giảm lỗ được 109,9 tỷ đồng (số liệu tính đến 30/6/2019). Tương tự, Xi măng Sông Thao có số lỗ 430 tỷ đồng hồi Vicem tiếp nhận, nay mới giảm được 31,3 tỷ đồng.

Tổng lỗ lũy kế của 2 doanh nghiệp này đến 30/6/2019 là 3.928 tỷ đồng.

Ngoài 2 doanh nghiệp được Vicem tiếp nhận về bị thua lỗ nặng, bản thân Vicem vẫn còn những doanh nghiệp thành viên có hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả nhiều năm nay. Đó là Công ty CP Xi măng Vicem Tam Điệp và Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng.

Thời điểm 2015, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp lỗ lũy kế 1.158 tỷ đồng, thì đến 30/6/2019 vẫn tiếp tục lỗ 1.090 tỷ đồng. Sau 3 năm rưỡi, mới giảm lỗ được 67,8 tỷ đồng.

Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng khả quan hơn, lỗ lũy kế chỉ còn 181 tỷ đồng, so với 383 tỷ đồng của 2015.

Lãnh đạo Vicem cho biết, Tổng công ty đã và đang triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp thua lỗ kể trên. Theo đó, Vicem đang thực hiện công tác tái cơ cấu thị trường, thực hiện sáp nhập thương hiệu (Vicem Sông Thao vào Vicem Hải Phòng; Vicem Tam Điệp vào Bỉm Sơn) đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong việc tái cơ cấu sản xuất, giải quyết các nút thắt công nghệ, tăng năng suất lao động, giảm chi phí cố định, chi phí biến đổi nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giảm lỗ lũy kế.

Theo Báo Đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN