Chứng khoán TP.HCM (HSC, HCM) cho biết lũy kế cả năm 2020, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.591 tỷ đồng, tăng 26% so với cả năm 2019 và hoàn thành 123% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt 530 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019, vượt 17% kế hoạch cả năm 2020 được ĐHĐCĐ thông qua vào tháng 06/2020.
Riêng quý 4, HSC đạt doanh thu hơn 514 tỷ đồng, tăng mạnh 54% so với cùng kỳ quý 4.2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 137 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì ghi nhận lãi từ tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) trong quý 4 đạt hơn 104 tỷ đồng, gấp 17 lần cùng kỳ. Song song đó, khoản lỗ từ tài sản FVTPL chỉ bằng 30% cùng kỳ, ở mức 3 tỷ đồng. Dù doanh thu tăng mạnh nhưng chi phí tự doanh chỉ tăng lên 1,6 tỷ đồng từ mức 400 triệu đồng của cùng kỳ.
Ngoài ra thì hoạt động môi giới của VDSC cũng ghi nhận doanh thu cao hơn 2,5 lần so cùng kỳ, hoạt động ngân hàng đầu tư cũng ghi nhận doanh thu khá tốt, hoạt động cho vay ký quỹ vẫn duy trì tích cực và kiểm soát rủi ro chặt chẽ.
Kết quả VDSC mang về lợi nhuận sau thuế trong kỳ gần 100 tỷ đồng, tăng đột biến 460% so với con số lãi hơn 218 triệu đồng của quý 4/2019.
Nhờ kết quả đột biến này, VDSC ghi lãi đến 150 tỷ đồng trong năm 2020, gấp 4,3 lần so với lãi năm trước, đây là mức lãi kỷ lục của công ty chứng khoán này, đồng thời vượt 328% kế hoạch đề ra.
Với Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, BSI), BCTC cho biết lợi nhuận trước thuế trong quý 4 đạt 47,6 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả tích cực này có sự đóng góp không nhỏ từ mảng môi giới khi doanh thu môi giới đạt 83 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường sôi động cũng giúp lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 61% lên 42 tỷ đồng. Hoạt động tự doanh cũng đạt kết quả tích cực với lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 95,1 tỷ đồng, tăng 48%.
Tính chung năm 2020, BSC ghi nhận gần 162 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18% so với năm trước và vượt 88% kế hoạch kinh doanh.
|
Công ty chứng khoán trúng đậm trong mùa COVID-19. |
Với Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động quý 4 đạt 684 tỷ đồng, gần gấp 3 lần. Trong đó, doanh thu môi giới trong quý đạt 63 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động đạt mức 161 tỷ đồng, tăng 45%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế trong quý 4 ghi nhận đạt 349 tỷ đồng, gấp 9,6 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2020, SHS đạt doanh thu 1.805 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ, trong đó có đóng góp đáng kể từ khoản đầu tư tự doanh cổ phiếu và trái phiếu. Tổng cộng mức lãi tự doanh đã hiện thực, chưa hiện thực và lãi cổ tức đạt 986 tỷ đồng, gấp 3 lần năm ngoái. Doanh thu môi giới cả năm đạt 173 tỷ đồng, tăng 35%.
Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt mức 939 tỷ đồng, gấp gần 3 lần mức kế hoạch đặt ra và là mức cao nhất trong lịch sử của SHS kể từ khi thành lập. Lợi nhuận sau thuế đạt mức 754 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ.
Hay như Chứng khoán Agribank (Agriseco, AGR) cũng kết thúc năm 2020 với 121 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 97 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch, Agriseco đã hoàn thành vượt gần 38% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra.
Còn theo BCTC riêng quý 4, Chứng khoán SSI (SSI) cho biết doanh thu trong quý đạt 1.207 tỷ đồng, tăng 39% và lợi nhuận trước thuế đạt 489 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế cả năm 2020, Công ty ghi nhận mức tăng trưởng 43,4% doanh thu và 54,4% lợi nhuận trước thuế, tương ứng với 4.528 tỷ đồng doanh thu và 1.565 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
SSI ước lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2020 đạt 1.545 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với mức thực tế 2019, vượt 178% kế hoạch kinh doanh 2020 về lợi nhuận.
Ngược lại với kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc từ các công ty trên, Chứng khoán SmartInvest (AAS) lại báo lỗ trong quý 4. Theo đó, AAS đạt 192 tỷ đồng doanh thu hoạt động trong quý 4, gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu hoạt động quý 4 với 187 tỷ đồng, gấp 7,9 lần cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu môi giới giảm 63% xuống 1,5 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng giảm 24% xuống 2.700 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động cũng gấp 3 lần cùng kỳ và ở mức 236 tỷ đồng, trong đó, lỗ FVTPL là 229 tỷ đồng, gấp 3,2 lần quý IV/2019 nhưng công ty không có thuyết minh. Kết quả, Chứng khoán SmartInvest báo lỗ 38 tỷ đồng, giảm 9,6% so với mức lỗ của cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế cả năm, doanh thu hoạt động đạt 503 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với kết quả năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt vỏn vẹn 3,3 tỷ đồng, giảm 83%.