Giá cổ phiếu “Sếp lớn” Sông Đà 7 bốc hơi
Phiên giao dịch 29/8, SD7 của Công ty cổ phần Sông Đà 7 mất giá tới 12% còn 4.400 đồng/cổ phiếu. Liên quan thông tin đến mã này, ông Nguyễn Hữu Doanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty vừa công bố thông tin hoàn tất mua 500.000 cổ phiếu SD7 như đã đăng ký. Sau giao dịch, ông Doanh nâng sở hữu lên 2,6 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 24,55% vốn điều lệ.
Cùng với đó, Công ty cổ phần Thủy điện Cao nguyên Sông Đà 7 - cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Hữu Doanh cũng mua 1,5 triệu cổ phiếu SD7, nâng tỉ lệ sở hữu tại Sông Đà 7 lên 23,58%. Qua đó, tỷ lệ nắm giữ của ông Doanh và người liên quan tại SD7 đã được nâng lên 48,13% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.
Ở chiều ngược lại, trong ngày 23/8, cổ đông lớn Nguyễn Hữu Chuẩn đã bán ra toàn bộ 1,97 triệu cổ phiếu SD7 và không còn là cổ đông tại công ty.
Chân dung “Sông Đà 7” của đại gia Nguyễn Mạnh Thắng
Trong khi, một “Sông Đà 7” khác- Công ty cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 hay viết tắt là Urinco 7 lại thu hút sự chú ý của dư luận theo khía cạnh khác.
"Sông Đà 7" này do ông Nguyễn Mạnh Thắng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty đồng thời cũng là người đại diện theo pháp luật của Urinco 7. Riêng ông Nguyễn Mạnh Thắng nắm tới 66,3% vốn cổ phần của Urinco 7.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2018, tỷ lệ nắm giữ của ông Nguyễn Mạnh Thắng tại doanh nghiệp này tăng rất mạnh lên 79,78% tương ứng với giá trị vốn góp theo mệnh giá xấp xỉ 160 tỷ đồng.
Trên website của công ty, ông Nguyễn Mạnh Thắng được giới thiệu với những ngôn từ “có cánh”, từng tốt nghiệp Thạc sĩ kinh doanh, Thạc sĩ luật và bảo vệ thành công Tiến sĩ Luật học.
Ông Thắng còn được mô tả là “từng trải, giàu kinh nghiệm”, “thành công trong lãnh đạo, quản trị công ty, làm ăn chân chính, đúng pháp luật, biết làm giàu cho doanh nghiệp và cá nhân”; “gần gũi cuộc sống, trách nhiệm cao, biết xử lý hài hòa lợi ích tập thể, người lao động, khách hàng và đạo lý đối với xã hội”.
Tuy nhiên, dù là doanh nghiệp đại chúng nhưng lại không có trong danh sách báo cáo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Do đó, không thể thu thập được kết quả kinh doanh cũng như tình hình tài chính của Urinco 7 theo kênh chính thống với số liệu công khai và minh bạch.
Bibica bị truy thu thuế “tiền tỉ” trước khi về tay đại gia
Mới đây, Tập đoàn PAN của ông Nguyễn Duy Hưng vừa công bố kế hoạch chào mua 7,7 triệu cổ phiếu BBC của Công ty cổ phần Bibica, tương đương 49,93% vốn điều lệ với giá 68.500 đồng/cổ phiếu để nâng sở hữu lên 100%, tức thâu tóm toàn bộ Bibica.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Bibica cũng vừa công bố thông tin nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ Cục Thuế TP Hà Nội với số tiền truy thu và tiền phạt gần 3,1 tỷ đồng do kê khai sai thuế.
Cụ thể, Bibica đã kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gồm hơn gần 1,2 tỷ đồng trong năm 2016 và gần 964 triệu đồng trong năm 2017.
Vàng “lên ngôi”, “đế chế” PNJ hưởng lợi?
Giữa lúc thị trường chứng khoán lao đao vì mối lo chiến tranh thương mại thì cổ phiếu PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận lại có một phiên đảo chiều ngoạn mục, tăng 1.000 đồng tương ứng 1,21% lên 83.800 đồng sau 3 phiên liên tiếp bị chốt lời trước đó. PNJ thời điểm hiện tại vẫn tăng giá hơn 7% so với 1 tháng trước.
Giữa lúc giới đầu tư đang lựa chọn đầu tư vào những tài sản mang tính “trú ẩn” như vàng thì việc PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung có tồn kho hơn 4.931 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2019 đang được cho là lợi thế của doanh nghiệp này khi giá bán ra hiện tại rõ ràng đang cao hơn nhiều so với trước.
Đại gia ngoại bị tỷ phú Việt gạt "ra rìa"
Vinpearl Air của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng vừa được Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đủ điều kiện thành lập hãng hàng không. Tuy nhiên, quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 có khả năng sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường. Nên Cục Hàng không khuyến nghị Vinpearl Air duy trì quy mô 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp.
Một hãng hàng không khác được đánh giá đủ điều kiện thành lập là Vietravel Airlines. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho biết, với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, Vietravel Airlines dự kiến cất cánh vào quý II năm 2020.
Chọn cảng hàng không quốc tế Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế) làm sân bay căn cứ, hãng này khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến (charter).
Ngoài ra, Tập đoàn Thiên Minh của ông Trần Trọng Kiên cũng xin lập hãng hàng không Cánh Diều. Đây là dự án của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, được thực hiện tại Cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thàn`h, tỉnh Quảng Nam. Tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, tương đương 43 triệu USD, trong đó 100% vốn góp của Thiên Minh.
Thị trường hàng không dự báo sẽ đông đúc hơn đồng nghĩa với việc, nhiều đại gia không đủ tiềm lực sẽ phải rời bỏ cuộc chơi.
“Đế chế” của cặp anh em đại gia gốc Hoa “gây bão”
Giữa lúc thị trường gặp khó trong những phiên vừa qua, phần lớn cổ phiếu trên sàn giảm giá thì KDC của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO gây ấn tượng với 4 phiên tăng liên tục, trong đó có 3 phiên tăng trần. Mã này tăng trần 1.450 đồng lên 22.850 đồng/cổ phiếu.
Sau một thời gian tái cơ cấu và thực hiện các hoạt động M&A, KIDO báo doanh thu thuần 3.225 tỷ đồng, giảm 14,7% so cùng kỳ, song việc kiểm soát chi phí giúp công ty này đạt gần 113 tỷ đồng lãi sau thuế, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ, trong đó, lãi ròng thuộc về công ty mẹ đạt 48,8 tỷ đồng.
KIDO do cặp anh em gốc Hoa là ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên sáng lập, tiền thân là tập đoàn Kinh Đô. Sau khi bán mảng kinh doanh bánh kẹo (nổi tiếng với bánh trung thu Kinh Đô) cho đối tác ngoại, hiện tập đoàn này đang tập trung kinh doanh tại các sản phẩm kem, dầu thực vật.
Bán 2 công ty bất động sản, tập đoàn ông Phạm Nhật Vượng lãi gần 2.800 tỷ
Ngày 28/3/2019, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đã chuyển nhượng 100% cổ phần trong Công ty Prime Land cho một đối tác doanh nghiệp và các cá nhân với tổng giá chuyển nhượng là 2.610 tỷ đồng. Khoản lãi từ giao dịch chuyển nhượng này là 1.612 tỷ đồng đã được ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất giữa niên độ.
Ngay sau đó, vào ngày 29/3, Vingroup chuyển nhượng 100% cổ phần trong Công ty Ngôi Sao Phương Nam cho một đối tác doanh nghiệp và các cá nhân với tổng giá chuyển nhượng 1.920 tỷ đồng. Khoản lãi từ giao dịch chuyển nhượng này là 1.124 tỷ đồng cũng đã được ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ.