|
Đại diện Grab tại tòa ngày 28.12.2018 |
Trong đơn,
Grab kháng cáo toàn bộ nội dung Bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết Vụ án theo Điều 311 BLTTDS vì TAND TP HCM không có thẩm quyền giải quyết Vụ án này.
Grab bày tỏ quan ngại khi thời điểm làm đơn kháng cáo, mặc dù đã quá thời hạn TAND TP HCM phải gửi Bản án sơ thẩm cho Grab nhưng vẫn chưa có Bản án sơ thẩm, trong khi Grab đã nhiều lần liên hệ với TAND TPHCM về việc này.
Phía Grab khẳng định không vi phạm với Vinasun. Nếu tòa phúc thẩm không đình chỉ thì phải sửa án sơ thẩm, xác định Grab không kinh doanh vận tải, không vi phạm pháp luật và bác toàn bộ yêu cầu của Vinasun.
Vụ kiện giữa Vinasun và Grab trước đó được TAND TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm vào các ngày 17, 18, 19, 22, 23 tháng 10, ngày 22, 23, 30 tháng 11, và ngày 26, 28 tháng 12 năm 2018.
Theo đơn khởi kiện, Vinasun cho rằng hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây thiệt hại cho công ty gần 42 tỉ đồng, từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2017, yêu cầu đơn vị này bồi thường. Sau nhiều phiên tòa xét xử, cuối tháng 12-2018 TAND TP HCM xác định hoạt động của Grab là kinh doanh vận tải.
Theo HĐXX, Grab vi phạm pháp luật, cụ thể là Nghị định 86 và Đề án 24. Theo Đề án 24, Grab chỉ được cung cấp phần mềm ứng dụng nhưng Grab đã kinh doanh vận tải taxi, gây thiệt hại cho Vinasun.
Về vấn đề thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường của Vinasun, HĐXX cho rằng thiệt hại này không thể tách bạch được. Vì vậy, dù xác định được thiệt hại do sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường nhưng không xác định được phần thiệt hại nào do Grab gây ra, phần nào do các yếu tố khác nên phần này không được HĐXX không chấp nhận.
Từ đó, HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền 4,8 tỉ đồng. Đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền một số vấn đề về quản lý.