Giám đốc Phân tích BSC: Thị trường giảm là cơ hội gom cổ phiếu

Nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn những nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng và có room tăng trưởng trong năm 2025 chứ không chỉ năm 2024.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, thông tin Fed sẽ giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 9 là điều gần như sẽ xảy ra, cùng những triển vọng tích cực về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong kỳ đánh giá sắp tới của FTSE thì việc thị trường điều chỉnh giảm là cơ hội tốt để nắm giữ các cổ phiếu tốt với mức giá hợp lý đón thông tin tích cực trong thời gian tới.
Ông Long cho biết thông thường vào tháng 9 trong lịch sử giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam thường không có xu hướng gì quá đặc biệt. Một phần nguyên nhân có thể đến từ lý do mà người ta gọi là "vùng trũng thông tin", là khoảng thời gian sau khi kết quả kinh doanh của quý 2/2024, các chương trình liên quan đến đại hội cổ đông cũng như các kế hoạch trả cổ tức được đưa ra… và kết quả kinh doanh quý 3 thì chưa đến.
Vậy nên như mọi năm, theo ông Long theo dõi VN-Index có diễn biến đi ngang trong tháng 9. Quay trở lại những yếu tố khác liên quan đến vĩ mô, rất nhiều nhà đầu tư cũng đang để tâm tới các thông tin trên thị trường nước ngoài.
Hai yếu tố mà nhà đầu tư đang bàn luận sôi nổi: Thứ nhất là liên quan đến diễn biến về chính sách tiền tệ của Fed. Yếu tố này đang dần trở nên rõ ràng hơn và thị trường cho rằng 3 đợt họp sắp tới đây vào tháng 9, tháng 10, tháng 12 đều sẽ có những đợt cắt giảm lãi suất, chỉ là chưa thống nhất về mức độ cắt giảm sẽ là bao nhiêu mà thôi. Gần như các tổ chức quốc tế đều đang dự báo rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra.
Yếu tố thứ hai cũng rất quan trọng là trong thời gian gần đây, người ta cho rằng những yếu tố liên quan đến kinh tế vĩ mô của Mỹ đang cho thấy sự suy yếu nhất định như những diễn biến về thị trường việc làm, diễn biến về nợ của người dân và diễn biến liên quan đến PMI, các chỉ số về lĩnh vực sản xuất ở khu vực đang suy giảm.
Giam doc Phan tich BSC: Thi truong giam la co hoi gom co phieu
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Chứng khoán BIDV (BSC)
Người ta cho rằng điều này kèm với việc FED đang tiến dần đến việc cắt giảm lãi suất, nhưng khả năng của suy thoái vẫn đang hiện hữu. Tuy nhiên, xác suất xảy ra suy thoái của các nhà kinh tế học đang đưa ra theo khảo sát của Bloomberg là khoảng 30%, mức này lại đang thấp hơn so với dự báo hồi đầu năm là khoảng 40%.
Ông Trần Thăng Long cho rằng: "Trong suốt 7 tháng vừa rồi thị trường gần như chỉ đi trong vùng từ 1.200 - 1.300 và cộng trừ 50 điểm lên và xuống trong suốt khoảng thời gian đó, thanh khoản có suy giảm và gần như là thị trường đang đi ngang và tích lũy trong một biên độ 100 điểm kéo dài trong suốt thời gian vừa qua và điều này một phần đến từ các nguyên nhân.
Thứ nhất, về mặt thị trường chúng ta thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng với một khối lượng lớn chưa từng có, xấp xỉ 2,2 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại. Thứ hai, chúng ta nhìn sang thị trường quốc tế, thị trường chứng khoán của các quốc gia phát triển, đặc biệt dẫn đầu là Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều có mức độ tăng trưởng rất nhanh".
Do vậy, dòng tiền chuyển sang những quốc gia lớn này để đầu tư cũng là xu hướng chung trong suốt nhiều tháng vừa qua. Và để đảo ngược xu hướng này, nó không thể nào diễn ra trong một sớm, một chiều và ngay kể cả khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, lúc đấy cũng chỉ là một tín hiệu đầu tiên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng theo dõi những phiên gần đây, diễn biến bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài ở các thị trường châu Á nói chung cũng như Việt Nam nói riêng đang có sự suy giảm và một số thị trường thì bắt đầu chuyển sang mua ròng, đặc biệt là trong tuần đầu tháng 9 vừa qua.
Không nên duy trì tỉ lệ đòn bẩy quá cao trong giai đoạn hiện tại
Trong những giai đoạn chuyển giao, thông thường về nguyên tắc, nhà đầu tư cũng không nên quá vội vã, vì khi thanh khoản thấp và đồng thời các thông tin liên quan đến thị trường không có thông tin thay đổi đột biến, nhà đầu tư nên duy trì một tâm thế cẩn trọng và bình tĩnh và theo dõi thị trường.
Đồng thời theo dõi những diễn biến liên quan đến vĩ mô nếu vẫn vẫn theo hướng tích cực, chúng ta có sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục tích lũy cổ phiếu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên duy trì tỉ lệ đòn bẩy quá cao trong giai đoạn hiện tại. Khi thị trường có những dấu hiệu khả quan trở lại chúng ta còn có sức mua để mua vào thời điểm đó.
Đối với cả những nhóm ngành, chúng ta cũng lưu ý khi thị trường đang tích lũy đi ngang, nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn những nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng và có room tăng trưởng trong năm 2025 chứ không chỉ năm 2024.
Theo BSC dự báo một số nhóm đang tăng trưởng khá tốt về kết quả kinh doanh không chỉ của năm nay và thậm chí là sang năm sau như ngành công nghệ thông tin, ngành ngân hàng, ngành bán lẻ, những ngành liên quan đến xuất nhập khẩu và đặc biệt là thủy sản, dệt may hay là những ngành hỗ trợ cho nhóm xuất nhập khẩu, như logistics, cảng biển hay khu công nghiệp.
BSC thấy những nhóm này đều đang có những chuyển biến tương đối tốt về mặt triển vọng kinh doanh cũng như là định giá còn ở mức phù hợp so với triển vọng đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc những mã top 3 trở lên trong những nhóm ngành này.
Riêng với ngành chứng khoán thì sẽ luôn gắn với sự phát triển của thị trường, khi thị trường có xu hướng rõ ràng cũng như thanh khoản cao, thường là những doanh nghiệp chứng khoán sẽ được hưởng lợi và đặc biệt là những cổ phiếu đầu ngành hay những cổ phiếu có mức độ thanh khoản cao cũng sẽ được ưu tiên trong giai đoạn đó.
Minh Nhật

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN