Kết phiên giao dịch 14/9, chỉ số VN-Index tăng 5,6 điểm (+0,63%) lên 894,57 điểm; HNX-Index tăng 0,97% lên 127,43 điểm và UPCoM-Index tăng 0,5% lên 59,39 điểm. Thanh khoản thị trường trên cả 3 sàn giao dịch đạt gần 7.400 tỷ đồng.
Nổi bật trong phiên này chính là sự vụt sáng của cổ phiếu HSG. Kết phiên 14/9, HSG tăng 6,7% lên 12.700 đồng/cp, đóng cửa trong tình trạng trắng bên bán và thanh khoản hơn 25,8 triệu đơn vị. Nhà đầu tư nước ngoài cũng tranh thủ mua vào gần 2 triệu cổ phiếu, trong khi bán ra chỉ hơn 525.000 cổ phiếu.
Trước đó không lâu, cổ phiếu HSG cũng xác lập kỷ lục về khối lượng giao dịch đứng đầu trên thị trường phiên 12/5 với 13,9 triệu cổ phiếu đổi chủ, tăng vọt so với thanh khoản trung bình hơn 5,2 triệu đơn vị chuyển nhượng mỗi phiên từ đầu năm. HSG tăng trần lên mức 8.440 đồng/cp. So với mức đáy cuối tháng 3, mã này đã tăng 95%.
Tính từ đầu năm, mã HSG cũng có sự tăng trưởng vượt trội 70,1% giúp mỗi cổ phiếu thêm 5.215 đồng/cp. Khối lượng cổ phiếu giao dịch trung bình mỗi ngày vào khoảng 8,1 triệu đơn vị.
|
Cổ phiếu HSG tăng nóng trở lại. |
Nguyên nhân trực tiếp giúp cổ phiếu HSG tăng giá mạnh là do HSG đạt được lợi nhuận cao trong thời gian qua. Lũy kế 9 tháng đầu niên độ tài chính, doanh thu thuần mà Công ty báo đạt 19.189 tỷ đồng, giảm 12%. Tuy nhiên lãi ròng đạt 701 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động đến nhiều doanh nghiệp thì việc tăng trưởng lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen một tín hiệu rất tích cực. Thực tế, kết quả kinh doanh của Hoa Sen tăng mạnh trở lại trong 3 quý gần đây sau khi công ty đã hoàn tất tái cơ cấu hệ thống chi nhánh.
Hiện nay, Hoa Sen chỉ còn 55 chi nhánh tỉnh và chuyển các chi nhánh khác sang cửa hàng trực thuộc chi nhánh. Điều này góp phần tiết giảm chi phí, kéo lợi nhuận tăng trở lại kể từ quý 4/2019.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh tăng vọt, ban lãnh đạo công ty cho biết, Hoa Sen chủ trương không theo đuổi chính sách cạnh tranh về giá để tập trung chất lượng sản phẩm, dịch vụ nên biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể; chủ động giảm nợ vay ngân hàng và kiểm soát hàng tồn kho để giảm chi phí.
Bên cạnh đó là yếu tố quản lý hiệu quả các loại tài sản. Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 789 tỷ đồng, xuống còn 16.436 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 4.598 tỷ đồng. Các khoản tiền và tương đương tiền chiếm 390 tỷ từ mức 289 tỷ của đầu năm.
Nhờ việc kéo giảm lượng hàng tồn kho nguyên nhiên vật liệu, thành phẩm, hàng hóa, HSG đã giảm được các khoản nợ vay ngắn hạn tài trợ cho vốn lưu động.
Trong cơ cấu nguồn vốn, vay nợ tài chính của Hoa Sen đã giảm được 1.423 tỷ đồng, xuống mức 8.469 tỷ đồng. Nhờ đó, chi phí lãi vay cũng giảm đáng kể từ 560 tỷ đồng xuống mức 446 tỷ đồng.
Theo chiến lược kinh doanh trước dịch bệnh, Hoa Sen phải đối mặt với 4 khó khăn cụ thể, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến rào cản thuế quan được dựng lên ở nhiều quốc gia, tỷ giá biến động mạnh, nguy cơ bị điều tra về tránh thuế và thị trường bất động sản hạ nhiệt khiến nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm.
Tại phiên họp thường niên, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen, nhận định không có dự báo nào là chắc chắn trong bối cảnh hiện tại. Các chỉ tiêu kinh doanh năm nay vì thế được đề ra tương đối thận trọng, theo đó doanh thu đạt 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là mục tiêu của Hoa Sen trước thời điểm diễn ra dịch bệnh.
Còn nói về giá cổ phiếu, Chủ tịch Hoa Sen cho biết: “Niềm vui chung là quý vừa qua chúng ta báo lãi tăng trưởng. Hy vọng cổ phiếu của HSG sẽ tăng. Nếu không có biến động lớn thì báo cáo tài chính của Tập đoàn sẽ đẹp hơn rất nhiều. Giá cổ phiếu HSG sẽ có thể về lại giá trị sổ sách tầm 15.000 – 16.000 đồng/cp. Tôi nhớ năm 2010 có người mua vào HSG ở giá 7.000 – 8.000 đồng để rồi kiếm lời lớn sau đó”.
Như vậy, những dấu hiệu tăng giá cổ phiếu HSG trong thời gian gần đây cho thấy nhà đầu tư đang bắt đầu nhận thấy quá trình tái trúc đang diễn ra đúng hướng tại HSG và bắt đầu đặt kỳ vọng doanh nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng thông qua hành động mua vào cổ phiếu HSG.