Giải mã cổ phiếu ‘họ Viettel’ sau cú sốc COVID-19

Cùng với xu hướng tích cực của thị trường sau khi trải qua đà giảm điểm dài do ảnh hưởng từ COVID-19, nhiều nhóm cổ phiếu cũng bứt phá khá mạnh trong đó có nhóm cổ phiếu "họ Viettel".

Hiện có 4 doanh nghiệp "họ Viettel" đang giao dịch bao gồm Viettel Global (VGI), Viettel Post (VTP), Công trình Viettel (CTR) và Tư vấn thiết kế Viettel (VTK).

Trong vòng 2 tháng qua, nhóm cổ phiếu này cũng tăng giá hơn 40%. Cụ thể, cổ phiếu VGI đã có bước tăng giá mạnh từ 19.000 đồng/cp lên mức giá cao nhất là 30.700 đồng/cp, tức tăng 62%; cổ phiếu VTP tăng 47% từ 85.500 đồng/cp lên 126.500 đồng/cp; CTR tăng từ giá 27.300 đồng/cp lên 45.900 đồng/cp, tăng 68% hay VTK tăng 45% lên mức giá 25.700 đồng/cp.

Đặc trưng của nhóm cổ phiếu “họ Viettel” là tỷ lệ sở hữu lớn thuộc về Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Theo phương án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, Viettel không có doanh nghiệp nào nằm trong danh sách thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa. Tuy nhiên, Viettel có xây dựng kế hoạch giảm vốn, thoái vốn với một số khoản đầu tư.

Cụ thể đến 2020, Viettel sẽ giảm vốn tại một số công ty con về mức trên 50% vốn điều lệ; bao gồm Viettel Post (giảm từ 68,08% xuống hơn 50%), Tư vấn thiết kế Viettel (giảm từ 68% xuống hơn 50%), Công trình Viettel (giảm từ 73,2% xuống hơn 50%). Các doanh nghiệp này đã lên sàn chứng khoán, tạo tiền đề cho Viettel thoái vốn thời gian tới.

Giai ma co phieu ‘ho Viettel’ sau cu soc COVID-19
Cổ phiếu "họ Viettel" bứt phá so với thị trường. 

Diễn biến tích cực của các cổ phiếu "họ Viettel" thời gian gần đây bên cạnh yếu tố thị trường chung thuận lợi còn có yếu tố quan trọng đến từ ngành nghề kinh doanh hạ tầng viễn thông, logistic giàu tiềm năng tăng trưởng và là "của hiếm" trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó là kết quả kinh doanh bứt phá trong thời gian gần đây.

Viettel Global là doanh nghiệp phụ trách cho hoạt động kinh doanh quốc tế của Viettel. Sau những năm đầu tư lớn, các thị trường nước ngoài đang tăng trưởng tốt và bắt đầu mang về "trái ngọt" cho Viettel Global. Trong những năm tới, tốc độ tăng trưởng viễn thông mạnh mẽ tại các thị trường Đông Nam Á sẽ là động lực bứt phá cho Viettel Global.

Trong quý 1 vừa qua, Viettel Global ghi nhận lợi nhuận sau thuế gấp 14 lần cùng kỳ năm trước, đạt 902 tỷ đồng.

Còn doanh thu thuần đạt 4.304 tỷ đồng, tăng 13%. Lợi nhuận gộp tăng 23% lên 1.634 tỷ đồng. Viettel Global cho biết kết quả kinh doanh hầu hết thị trường tốt hơn so với cùng kỳ đã đóng góp 602 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất, nổi bật là Mytel – công ty liên kết tại Myanmar, Metfone tại Campuchia và Natcom tại Haiti.

Viettel Post thì báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2020 với doanh thu thuần 2.460 tỷ đồng, tăng 79% cùng kỳ năm trước. Song biên lãi gộp giảm từ 11,2% về 7,3% đã khiến lợi nhuận ròng còn tăng 26% đạt 97 tỷ đồng. Chi phí nhân công và chi phí dịch vụ thuê ngoài của đơn vị tăng đáng kể với lần lượt 16% và 14%.

Giai ma co phieu ‘ho Viettel’ sau cu soc COVID-19-Hinh-2
 Kết quả kinh doanh của nhóm Viettel khởi sắc gần đây.

Cùng với sự tăng trưởng của ngành viễn thông trong và ngoài nước, các đơn vị thành viên của Viettel như Công trình Viettel (CTR) và Tư vấn thiết kế Viettel (VTK) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.

Trong quý 1, Công trình Viettel ghi nhận doanh thu 1.380 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 4,9% lên 6,3% và các chi phí biến động không đáng kể. Lãi sau thuế doanh nghiệp đạt 50,7 tỷ đồng, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối năm 2019, Công trình Viettel đã xây dựng được hệ thống hạ tầng mạng lưới viễn thông trong nước của Tập đoàn Viettel rộng khắp với hơn 50.000 trạm phát sóng, hơn 140.000 km cáp quang, đến 100% các huyện, hầu hết các xã trong cả nước, vùng đảo Trường Sa, và nhiều thị trường nước ngoài trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ.

Theo chứng khoán Nhất Việt, Công trình Viettel định hướng chuyển đổi sang mảng kinh doanh có triển vọng và biên lợi nhuận cao hơn. Mảng xây lắp từng chiếm tỷ trọng lớn trên cơ cấu doanh thu với biên lợi nhuận gộp từ 9,8-12% và biên lợi nhuận ròng thấp ở mức 3,5% đã có xu hướng thu hẹp dần để chuyển hướng sang mảng cho thuê hạ tầng TowerCo với biên lợi nhuận gộp (70%) và biên lãi ròng cao hơn (12-18%), định hướng đến năm 2025 trở thành nhà đầu tư TowerCo số1 Việt Nam.

Điều này là phù hợp với xu thế chung của ngành viễn thông Việt Nam khi các hoạt động ngốn nhiều băng thông lớn như game mobile, video stream, live stream nở rộ. Nhu cầu sử dụng internet tốc độ cao 4G/5G là rất lớn trong giai đoạn hiện nay

Còn Tư vấn thiết kế Viettel dù mới lên sàn UPCoM vào cuối năm 2018 nhưng cũng là doanh nghiệp giàu tiềm năng khi nắm giữ vị thế số 1 Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông và là đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu tại các thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư như Lào, Campuchia, Mozambique, Cameroon, Haiti, Peru.

Trong năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 112 tỷ đồng, lãi ròng ghi nhận hơn 16 tỷ đồng.

Những năm tới đây, câu chuyện chuyển đổi số, phát triển 5G cũng như Viettel đẩy mạnh đầu tư hạ tầng viễn thông tại nhiều quốc gia trên thế giới sẽ là yếu tố hỗ trợ cho các cổ phiếu "họ Viettel".

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN