Năm 2017, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đồng loạt bùng nổ lợi nhuận. Một số thành viên có lãi tăng trưởng tính bằng lần, phổ biến 40-50%.
Đầu năm 2018, trò chuyện với báo chí, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) nêu câu hỏi: “Các bạn có thấy khác lạ trong báo cáo tài chính các NHTM gần đây?”.
|
Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB |
Sợi dây khó kéo căng mãi…
Câu hỏi bất ngờ, có phân vân. CEO MB trả lời luôn: Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các NHTM nói chung liên tục vượt trên và vượt xa tốc độ tăng trưởng của các chỉ tiêu cơ bản khác.
2017 rồi đến 2018, qua các quý, nhiều thành viên trong hệ thống đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 30 - 40 - 50% so với cùng kỳ, không ít thành viên tăng tới 70 - 80% và thậm chí tính bằng lần. Sự bùng nổ này kéo dài qua nhiều quý liên tiếp, sang cả năm 2019.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản các NHTM nói chung phổ biến chỉ quanh 20%, tín dụng chỉ tăng quanh 14 - 16%, vốn điều lệ tăng quanh 10% và thậm chí nhiều thành viên gần như không tăng được vốn.
Khác lạ mà ông Lưu Trung Thái tự trả lời thay câu hỏi trên là tương quan giữa tăng trưởng lợi nhuận với các chỉ tiêu cơ bản khác có chênh lệch quá lớn.
Khi đó, “một cuộc đua” lợi nhuận giữa các NHTM như âm thầm diễn ra. Câu hỏi CEO MB gởi mở như có ẩn ý: Diều khó bay cao nếu nối dây không đủ. Sợi dây khó kéo căng mãi, tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng sẽ đến một điểm phải cân đối lại với các tương quan, các lực đỡ là những chỉ số cơ bản nói trên.
Ông Lưu Trung Thái giải thích như một dự báo, về phát triển lâu dài, rất khó để lợi nhuận ngân hàng tạo được mức tăng trưởng cao gấp nhiều lần so với tín dụng và tổng tài sản. Mỗi thành viên đang đứng trước yêu cầu tìm ra giải pháp để cân đối lại, để lợi nhuận tăng trưởng một cách hợp lý.
Kẻ sang đường đột ngột: Covid-19
Những cỗ xe lợi nhuận ngân hàng tăng tốc liên tục qua các năm 2017, 2018, 2019 rồi đột ngột phanh gấp, thậm chí lùi lại khi thình lình xuất hiện kẻ sang đường Covid-19.
Đến nay, gần qua nửa năm 2020, kẻ sang đường này vẫn chưa rời đi, sức choán và khả năng gây va chạm lớn vẫn còn ngáng đó.
Nhiều NHTM đã phải lên kế hoạch hạ chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay, như VPBank, Sacombank, LienVietPostBank… Ngay cả MB từng vững vàng và vượt trội lợi nhuận giai đoạn toàn ngành khó khăn 2012-2015 nay cũng phải dự tính có thể lùi một bước nhỏ. Hay trường hợp Techcombank đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận rất thận trọng, chỉ chớm 1%. Một số NHTM nhà nước lớn cũng đang lưỡng lự chỉ tiêu.
Điểm chung, năm nay đánh dấu giai đoạn phát triển mới của hệ thống NHTM Việt Nam, khi gần như không còn những chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận vượt trội 30 - 40% như những năm trước. Và thực tế điểm đến cuối cùng dư báo sẽ là một năm lợi nhuận chùng xuống.
Covid-19 xuất hiện. Đây đang là nguyên nhân chính mà các NHTM tính tới, đưa ra để lý giải.
Trở lại với tương quan mà CEO MB đề cập cùng câu hỏi mang tính dự báo từ hai năm trước, so sánh hiện nay đã rất khác.
Tại ĐHĐCĐ Techcombank ngày 20/6, một cổ đông đã nêu câu hỏi cụ thể: tại sao ngân hàng vẫn có chỉ tiêu tăng tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng cao, nhưng tương quan chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lại thấp vậy?
Thực tế, năm nay, hầu hết các NHTM đều xây dựng kế hoạch tổng tài sản tăng trưởng quanh 15%, tín dụng tăng trưởng quanh 14%, vốn điều lệ tiếp tục tăng…, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận lại giảm hoặc rất thấp. So với những năm trước thì đã có đảo ngược hoàn toàn tương quan các chỉ tiêu.
Kẻ sang đường Covid-19 là nguyên do đầu tiên. Biểu hiện liên quan cụ thể, đã gần nữa năm trôi qua mà tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn rất thấp với quanh 2%. “Biểu hiện chìm” nữa là nợ xấu.
“Biểu hiện chìm” vì theo Thông tư 01, khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 không trả được nợ, lẽ ra thành nợ xấu, nhưng được cơ cấu lại không hoạch toán và biểu hiện rõ ngay ở nợ xấu. Còn thực tế, tiền không hoặc chưa quay về đúng hạn, tiền lãi không hoặc chưa được thanh toán vì cơ cấu lại nợ, lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng ngay.
Giai đoạn mới được đánh dấu bởi Covid-19 này cũng có trái biệt lớn: nếu 2017, 2018 và 2019 các NHTM lần lượt xử lý được lượng lớn nợ xấu, hoàn nhập dự phòng để góp tăng lợi nhuận, thì nay ngược lại với xu hướng nợ xấu tăng lên, áp lực gia tăng trích lập chi phí dự phòng và lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Cân đối lại và đầu tư cho nội tại
Nhưng Covid-19 chỉ là một yếu tố. Các ngân hàng đang phải cân đối lại cho nội tại sau giai đoạn kéo căng chỉ tiêu lợi nhuận so với các chỉ tiêu nền tảng.
Một phần, các NHTM phải giảm bớt nguồn thu qua phí dịch vụ, lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bởi Covid-19, nhưng về lâu dài sức nâng của tổng tài sản, tăng tín dụng không thể mãi đẩy lợi nhuận tăng trưởng chênh lệch quá xa như giai đoạn vừa qua.
Cân bằng và cân đối lại, năm nay đang cho thấy nhiều NHTM đặt trọng tâm đầu tư nhiều hơn cho nền tảng, thay vì “chạy đua” chiết xuất lãi.
Hướng trọng tâm ưu tiên như Techcombank nhấn mạnh, hay trong báo cáo cổ đông tới đây của MB, hay được gợi mở tại ĐHĐCĐ SHB vừa qua là tiếp tục dồn lực đầu tư lớn cho hạ tầng chuyển đổi số, phát triển mạnh ngân hàng số.
Hướng này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, chưa hẳn mang lại lợi nhuận ngay mà mang tính gieo mầm cho lâu dài. Trong khi theo chính lãnh đạo một số ngân hàng, dù phát triển nhanh và được nói nhiều thời gian qua nhưng chuyển đổi số và ngân hàng số trong hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay mới chỉ là khởi đầu, còn phải đầu tư rất nhiều.
Hay ở một hướng khác, nhiều thành viên cũng đang bắt đầu, hoặc đang trong giai đoạn đầu tư để phát triển các khối lợi nhuận vệ tinh là các công ty con ở lĩnh vực tài chính tiêu dùng, chứng khoán, bảo hiểm…
Và sau giai đoạn thành công ở nhiều thành viên, hệ thống lại đứng trước khả năng một lần nữa phải dồn lực xử lý nợ xấu bởi Covid-19.
Theo đó, 2020 là năm chốt lại giai đoạn 5 năm vừa qua, các NHTM nhìn chung đang lên kế hoạch điều chỉnh lại các cân đối, đầu tư thêm để chuẩn bị bước vào giai đoạn mới 2021-2025.