Giá heo hơi phía Bắc hôm nay chỉ ghi nhận tại Hưng Yên giảm 1.000 đồng, xuống mức 94.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại vẫn giữ nguyên giá như hôm qua, trong đó, mức giá cao nhất đang được giao dịch tại Ninh Bình và Hà Nam với 95.000 đồng/kg. Còn lại đa số đều giao dịch quanh mức giá 92.000-93.000 đồng/kg.
Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sau nhiều ngày giữ giá để bằng miền Bắc thì Thanh Hóa và Nghệ An nay lại tạo khoảng cách lớn với miền Bắc khi xuống còn 90.000 đồng/kg, tức giảm 2 giá so với hôm qua.
Do đó, mức giá cao nhất ở khu vực này được ghi nhận tại Lâm Đồng với 92.000 đồng/kg. Còn lại đa phần có mức giá từ 83.000-88.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất trong nước.
Giá heo hơi ở miền Nam cũng có điều chỉnh giảm tại An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang với 2.000 đồng, cùng về mức 88.000 đồng/kg.
Mức giá cao nhất ở miền Nam vẫn được ghi nhận tại Trà Vinh 96.000 đồng/kg, thấp hơn một chút là Đồng Nai với 95.000 đồng/kg, Tiền Giang 94.000 đồng/kg, Bến Tre 93.000 đồng/kg. Còn lại hầu hết đều giao dịch quanh mức 90.000 - 92.000 đồng/kg.
3 giải pháp giải quyết tình trạng giá thịt heo tăng cao
Tình hình buôn bán thịt heo tại các chợ đầu mối vẫn khá ảm đạm do giá mua vào quá cao và người dân có heo không còn nhiều.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thịt heo cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại bị bệnh dịch tả lợn châu Phi và gián tiếp do chưa tái đàn).
Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến 25/12/2019, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 8.526 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5.957.460 con; tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy là 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng heo của cả nước.
Hiện nay, tổng đầu heo theo báo cáo của các tỉnh hiện còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; đàn giống cụ kỵ, ông bà còn 109 nghìn con. Số lượng này cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn.
Trả lời trên Vneconomy, để giải quyết tình trạng giá thịt heo liên tục tăng thời gian qua và đang ở mức cao, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đang triển khai 3 giải pháp.
Trước hết là phải tăng cường sản xuất không chỉ thịt heo mà còn thủy sản và thịt gà. Việc tăng này có hai chủ đích là tăng cho xuất khẩu và đủ nhu cầu thực phẩm cho thị trường, đặc biệt là cuối năm thường có nhu cần tăng cao hơn.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn bán tự phát qua biên giới để không chỉ đảm bảo nguồn cung trong nước mà chính là an toàn dịch bệnh, không để lây nhiễm qua các con đường. Cùng với đó là cần đảm bảo khâu thương mại, không để trục lợi, găm hàng.
Thứ ba, trong chiến lược phát triển chăn nuôi mới sẽ cần làm sao phát triển hài hòa cơ cấu các nhóm thực phẩm, để đảm bảo kinh tế, an toàn sinh học, đồng thời cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn. Không thể nào cơ cấu bữa ăn mà 70% thực phẩm trên mâm cơm là thịt heo.