Giá điện tăng kéo hàng hóa tăng theo

Với việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 6,08% so với giá bán hiện hành, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng giá bất ngờ có thể khiến hàng hóa tăng mạnh.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng lần tăng giá này khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ, không kịp tính toán chi phí cho phù hợp. Nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó xoay xở để bù vào số tiền điện tăng thêm mỗi tháng. “Lần tăng giá điện này sẽ khiến công ty tăng thêm khoảng 10% so với giá điện hiện nay. Việc tăng giá điện sẽ khiến mọi sản phẩm của Việt Nam phải tăng theo”, ông Doanh lưu ý.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh, doanh nghiệp Việt vất vả cạnh tranh với hàng nhập ngoại, việc tăng giá điện bất ngờ càng khiến doanh nghiệp trong nước khó khăn. “Cơ quan quản lý cần rút kinh nghiệm, tránh trường hợp tăng giá điện đột ngột, khiến doanh nghiệp không kịp trở tay”, ông Doanh nói.
 Giá điện tăng kéo hàng hóa tăng theo
Theo ông Doanh, sau việc giá điện tăng bất ngờ, cả người dân và doanh nghiệp cần tiết kiệm điện hơn và chủ động trong việc tìm nguồn năng lượng tái tạo khác (như điện mặt trời, điện gió), không quá phụ thuộc vào nguồn điện của EVN.
Giá điện “đẩy” CPI quý 1/2018 tăng mạnh
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê (Bộ KH&ĐT), hiện Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê tính toán việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng, sản xuất như thế nào. Tính toán cho thấy, việc tăng giá vào ngày 1/12/2017 ảnh hưởng rất nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng của 2017 và vẫn kiểm soát lạm phát.
“Tăng giá điện chủ yếu ảnh hưởng đến lạm phát năm 2018. Chúng tôi đã tính toán con số này nhưng tạm thời tôi không nhớ con số cụ thể”, ông Lâm nói với phóng viên.
Theo ông Lâm, điện là năng lượng dùng chủ yếu trong nhiều lĩnh vực nên sẽ ảnh hưởng đến giá sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó tác động đến CPI. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã có tính toán để có bài toán tổng hòa, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và có giải pháp chỉ đạo điều hành, vẫn tiếp tục kiểm soát lạm phát năm 2018 ở dưới 4%, mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7%. Đây là thời điểm phù hợp để tăng giá điện và không để ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, đồng thời để kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện.
“Tăng giá điện theo bậc lũy kế tiêu dùng ảnh hưởng nhiều đến tầng lớp khá giả, sử dụng nhiều điện. Tầng lớp thu nhập thấp không bị ảnh hưởng nhiều”.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê.
Không nên đưa phương án giá điện vào diện mật
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, đến nay việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện đã có bước tiến về minh bạch. Tuy nhiên, việc này cần tiếp tục cải tiến mạnh hơn để đáp ứng tốt hơn tính minh bạch. Theo ông Đức, việc đi kiểm tra giá điện đã có mặt của cả bên bán và bên mua điện, song quyết định tăng bao nhiêu % thì chỉ do bên bán điện quyết. Vì vậy, có thể cải thiện tính minh bạch bằng cách cho phép bên mua tham gia vào việc này. “Quyết định của Thủ tướng yêu cầu công khai phương án giá điện nhưng theo quy định về tài liệu mật, phương án giá điện trước khi được đưa ra là mật. Trường hợp này, cần thay đổi, không nên để cơ chế mật với phương án giá điện” - ông Đức nói.
Phạm Tuyên
Theo Quỳnh Nga/Tienphong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN