Trong kỳ cơ cấu quý I, Fubon FTSE Vietnam ETF đã có một số thay đổi trong danh mục, nâng số lượng thành phần lên thành 31 mã. Con số này lớn hơn 1 cổ phiếu so với rổ tham chiếu FTSE Vietnam 30 Index (loại HCM).
Fubon FTSE ETF đã mua mới 18,6 triệu cp EIB và 2,4 triệu cp FRT tính từ 11/3 đến 20/3. Quỹ cũng mua thêm 3 - 6 triệu đơn vị đối với các mã VIC, VHM, STB, PDR.
Ngược lại, toàn bộ hơn 19,7 triệu cổ phiếu SBT đã bị thoái ra khỏi danh mục. Quỹ cũng bán ra đáng kể tại HPG (7,7 triệu cp), SSI (2,6 triệu cp), SHB (2,3 triệu cp)... HCM chỉ còn số lượng nhỏ, dự kiến cũng sẽ bị thoái hết trong thời gian tới.
Tại 20/3, 31 cổ phiếu đang chiếm tổng cộng 99,63% danh mục.
|
Thay đổi danh mục Fubon FTSE ETF từ 8/3 đến 20/3. Nguồn: X.N tổng hợp từ dữ liệu Fubon FTSE ETF. |
Được biết, Fubon FTSE ETF là ETF có quy mô lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam, khi rót vốn mạnh từ tháng 3/2021. Giá trị tài sản ròng của quỹ đến từ Đài Loan (Trung Quốc) tại ngày 20/3 đạt khoảng 22.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dòng vốn Fubon ETF bất ngờ đảo chiều rút ròng 3/4 phiên gần nhất sau giai đoạn hút vốn mạnh tháng qua. Tổng cộng sau chưa đầy 1 tuần (từ 14 - 20/3), Fubon ETF đã bị rút ròng 5,3 triệu USD. Việc bị rút gần 4 triệu USD phiên 20/3 đánh dấu đợt rút ròng mạnh nhất của Fubon ETF trong vòng 4 tháng trở lại đây.
Quỹ ngoại muốn thoái vốn khỏi ACB
Đầu phiên hôm nay, 22/3, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã ghi nhận một loạt giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng 145 triệu cổ phiếu ở mức giá 27.650 đồng. Giá trị sang tay là hơn 4.009 tỷ đồng.
Đồng thời, khối ngoại ghi nhận 145 triệu cổ phiếu bán ra và 145 triệu cổ phiếu ACB được mua vào. Như vậy, số cổ phiếu này đã được chuyển từ nhà đầu tư nước ngoài này sang nhà đầu tư khác.
Trong các phiên trước đó, cổ phiếu ACB cũng thường xuyên có các giao dịch thỏa thuận, tuy nhiên khối lượng cao nhất cũng chỉ lên đến vài triệu đơn vị, tương ứng khoảng vài chục tỷ đồng.
Trước đó, theo nguồn tin, quỹ đầu tư CVC Capital Partners (CVC) đang xem xét bán lượng cổ phiếu nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sau khi nhận được lời đề nghị từ những người mua tiềm năng, bao gồm các đối tác Nhật Bản.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và quyết định cuối cùng hiện chưa được thông qua. Theo ước tính của Reuters, số cổ phần của CVC sở hữu có thể trị giá lên tới 200 triệu USD dựa trên vốn hóa thị trường hiện tại của ACB là hơn 4 tỷ USD.
Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) của ACB đã đạt mức trần 30%, nên cách duy nhất để nhà đầu tư nước ngoài sở hữu lượng lớn cổ phần của ngân hàng là một nhà đầu tư ngoại khác phải bán ra.
Quỹ CVC đã tham gia đầu tư vào ACB từ năm 2017, tuy nhiên chi tiết của khoản đầu tư này như số lượng cổ phần và tỷ lệ sở hữu không được tiết lộ.
Hiện ông Võ Văn Hiệp Giám đốc điều hành CVC Asia Pacific (Singapore) là thành viên HĐQT của ACB từ năm 2018 đến nay.