Được cấp thêm hạn mức tín dụng năm 2022, ngân hàng nào hưởng lợi nhất?

Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo cơ quan quản lý, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Với việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5 - 2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000 - 200.000 tỷ đồng.

Đánh giá về động thái cấp tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng thêm 1,5 – 2%, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia nhận định, ba lý do chính để NHNN mở thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng là do bối cảnh, áp lực bên ngoài về lạm phát, lãi suất và tỷ giá đã dịu bớt khá nhiều; ở trong nước, lạm phát được kiểm soát khá tốt, áp lực tăng lãi suất và tỷ giá cũng dịu dần; thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên với việc tiền gửi của dân cư tăng trở lại; thứ 3 là nhu cầu vốn để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh, để đáp ứng nhu cầu thanh khoản cuối năm của doanh nghiệp và người dân là rất lớn.

Ba tác động chính lên thị trường được dự báo là góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất – kinh doanh, ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới; trong khi đó, tác động không đáng kể đến lạm phát do lượng vốn tín dụng tăng thêm khoảng gần 200.000 tỷ đồng, với khả năng hấp thụ nhanh và đáp ứng các nhu cầu thiết thực (dự án, công trình dở dang, người mua nhà, các hợp đồng xuất nhập khẩu và các khoản nợ đến hạn…).

Lưu ý trong quyết định nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Thống đốc cũng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các TCTD yên tâm hơn khi cấp tín dụng.

Có thể thấy rõ rằng, NHNN sẽ ưu tiên cấp hạn mức tín dụng cho cá ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.

Trong báo cáo phân tích mới đây, dựa trên các tiêu chí trên, VNDirect nhận định, nhóm ngân hàng sẽ được tăng trưởng tín dụng cao năm 2023 gồm: VPBank, MB, HDBank, ACB, Vietcombank, VIB, TPBank, Techcombank,…

NHNN không công bố danh sách chi tiết từng tổ chức tín dụng được nâng hạn mức tăng trưởng trong lần này. Tuy nhiên, trên đây có thể là những ngân hàng sẽ được ưu tiên mở rộng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm.

N.Thoan/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN