Dư nợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 925.000 tỷ đồng

Thông tư hướng dẫn các ngân hàng về việc cơ cấu nợ, giãn nợ với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch sẽ sớm được công bố.

Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), cho biết dư nợ từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như du lịch, dịch vụ… khoảng 925.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, mức thiệt hại cụ thể chưa thể xác định được ngay.

NHNN không có kế hoạch giảm lãi suất điều hành vì nhu cầu vay mới thấp và thanh khoản ngân hàng dồi dào, ông Hùng nói với Bloomberg, hiện tại không cần nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng có thể sau này sẽ cần. 

Vừa qua, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Các đơn vị cũng chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá 2 tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này.

Theo Vụ trưởng Tín dụng, cơ cấu nợ, giãn nợ là động thái quan trọng nhất. Sắp tới, NHNN sẽ có thông tư phù hợp để hướng dẫn cụ thể cho các ngân hàng thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Du no cac linh vuc bi anh huong boi dich Covid-19 khoang 925.000 ty dong-Hinh-2

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: VNF.

Về việc giảm và ưu đãi lãi suất, các ngân hàng sẽ phân tích và xác định mức độ thiệt hại của khách hàng trong dịch Covid-19 và đưa ra chính sách. “Tuy nhiên, ngân hàng cũng không thể giảm lãi mãi được. Chính phủ vẫn sẽ hỗ trợ bằng vốn ngân sách, tùy vào tình hình cụ thể”, ông nói.    

Theo lãnh đạo NHNN, tổ chức tín dụng cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Giảm lãi suất đồng nghĩa với việc dùng chính tiền của ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp. Dù thế, các ngân hàng cũng chỉ có thể giảm mức độ cho khách hàng mà vẫn phải đảm bảo bù đắp được chi phí.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chỉ đạo các ngân hàng bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng cũng như việc phân loại, xử lý nợ xấu. NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Theo ông Tú, thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Theo Lê Hải/NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN