Liên quan đến sự kiện ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ bị sụp đổ vào ngày 10/3/2023, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam đã có đánh giá nhanh về tác động của sự kiện trên đối với thị trường.
Vì sao SVB sụp đổ?
SVB chuyên phục vụ khách hàng là các quỹ đầu tư và công ty công nghệ cao tại Mỹ. SVB tập trung đầu tư vào các tài sản dài hạn quá nhiều làm mất cân đối dòng tiền của ngân hàng.
Sau khi Fed tiến hành tăng lãi suất cơ bản một cách quyết liệt từ giữa 2022, lượng tài sản bằng trái phiếu chính phủ Mỹ do SVB nắm giữ giảm giá mạnh, và buộc SVB phải hạch toán lỗ 1,8 tỷ USD khi bán 21 tỷ USD các tài sản dài hạn này.
Ngày 9/3/2023, ngân hàng đã thông báo kế hoạch tăng vốn hơn 2 tỷ USD từ việc bán cổ phiếu và đồng thời công bố khoản lỗ 1,8 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán.
Thông tin này khiến giá cổ phiếu của SVB rơi 60% trong phiên giao dịch ngày 9/3 và tiếp tục rơi thêm 60% trước phiên giao dịch ngày 10/3 khiến cơ quan quản lý tài chính bang California, Mỹ và Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên Bang (FDIC) vào cuộc yêu cầu SVB ngưng hoạt động và tiếp quản toàn bộ tiền gửi tại ngân hàng này.
Bên cạnh đó sàn giao dịch Nasdaq cũng thông báo sẽ hủy niêm yết với cổ phiếu của SVB theo quy định.
Kế hoạch huy động vốn đã thất bại trong khi đó nhà đầu tư của những công ty khởi nghiệp công nghệ đã yêu cầu các doanh nghiệp này rút tiền khỏi SVB càng nhanh càng tốt để tránh bị mất vốn từ việc áp dụng quy định mức trần bảo hiểm tiền gửi tương đương 250.000 USD trên mỗi tài khoản tiền gửi.
Các động thái can thiệp của cơ quan quản lý Mỹ
Vào ngày 12/3/2023, các cơ quan quản lý đã chấp thuận kế hoạch để hỗ trợ cho cả người gửi tiền và tổ chức tài chính có liên quan đến SVB, một bước đi quan trọng trong việc dập tắt mối lo ngại về sự hoảng loạn có tính hệ thống được gây ra bởi sự sụp đổ của các công ty tập trung vào công nghệ.
Thông cáo báo chí chung giữa Chủ tịch Fed Jerome Powell, Bộ Trưởng Ngân khố Janet Yellen và Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên Bang Martin Gruenberg đã nhấn mạnh việc “thực hiện các hành động quyết định để bảo vệ nền kinh tế Mỹ và củng cố niềm tin của dân chúng đối với hệ thống ngân hàng”.
Bộ Ngân khố khoanh vùng sự việc tại ngân hàng SVB và Signature là rủi ro có tính hệ thống, và từ đó áp dụng những biện pháp cần thiết với hai ngân hàng này để đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền. Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi Liên Bang sẽ được sử dụng để chi trả cho tất cả các bên gửi tiền, trong số đó nhiều bên chưa được bảo hiểm tiền gửi do không đáp ứng cam kết hạn mức tiền gửi tối thiểu 250.000 USD.
Sự việc SVB ít có rủi ro lây lan diện rộng
So với các cuộc khủng hoảng ngân hàng gần nhất những năm 2008 – 2009 tại Bear Stern, Fannie Mae & Freddie Mac, sự việc tại SVB được xem như ít có rủi ro lây lan diện rộng do những yếu tố sau:
– Các tài sản chủ yếu bị ảnh hưởng là trái phiếu kho bạc Mỹ và cổ phiếu công nghệ
– Tài sản đang nắm giữ bởi SVB có khả năng thanh khoản cao hơn
– Tỷ trọng nắm giữ tại SVB bởi các quỹ hưu trí tương đối thấp (<6%, tương đương hơn 600 triệu USD) và không có quỹ hưu trí nào của Mỹ trong danh sách nhà đầu tư
Trong bảng cân đối kế toán của SVB hiện có 165 tỷ USD tiền gửi. Năng lực đảm bảo thanh khoản cho số tiền gửi này là 179 tỷ USD, tương đương 108% đến từ các nguồn:
– 39 tỷ USD tiền mặt
– 91 tỷ USD trái phiếu được giữ đến ngày đáo hạn, nếu bán ra dự kiến thu được 70 tỷ USD
– 74 tỷ USD giá trị dư nợ cho vay, nếu bán ra dự kiến thu được 70 tỷ USD nhưng sẽ cần thêm thời gian.
Hiện tại, tất cả các khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại SVB đều đã có thể rút tiền sau khi Fed lên tiếng đảm bảo thanh khoản cho SVB vào 12/3. Các cơ quan điều hành chính phủ của Mỹ đã can thiệp kịp thời để giảm tối thiểu thiệt hại đến người gửi tiết kiệm và khoanh vùng mức độ ảnh hưởng dây chuyền từ SVB.
Thị trường quốc tế đang phản ánh liệu có rủi ro tiềm ẩn nào khác từ việc Fed tăng lãi suất nhanh.