Dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 5: Tiền lớn quay trở lại cổ phiếu

Theo SSI, thị trường toàn cầu ghi nhận tháng 5 sôi động với dòng tiền quay trở lại quỹ cổ phiếu. Tại Việt Nam, đà rút vốn từ các quỹ ETF chậm lại, tuy nhiên dòng tiền chủ động vẫn phân hóa, khối ngoại bán ròng mạnh.
Dong von dau tu toan cau thang 5: Tien lon quay tro lai co phieu
Dòng tiền đầu tư toàn cầu đang cho thấy sự phân hóa, với sự ưu ái cho thị trường cổ phiếu phát triển và trái phiếu 
Dòng tiền đầu tư trên toàn cầu
Trong tháng 5, dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu đã tăng mạnh, đạt 44,2 tỷ USD, nhờ kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là nhóm công nghệ, và sự động lực từ dòng tiền cá nhân. Thị trường phát triển dẫn đầu với mức vào ròng 45,2 tỷ USD.
Tính chung 5 tháng đầu năm, các quỹ cổ phiếu đã thu hút được 175,7 tỷ USD. Đồng thời, các quỹ trái phiếu tiếp tục vào ròng tháng thứ 17 liên tiếp với mức 52,9 tỷ USD, tăng 26% so với tháng trước, nhờ vào môi trường lãi suất cao. Tổng cộng trong 5 tháng đầu năm, các quỹ trái phiếu đã thu hút 252 tỷ USD.
Quỹ thị trường tiền tệ cũng đảo chiều vào ròng mạnh trong tháng 5 với 84,7 tỷ USD, duy trì sức hút từ tháng 9/2022 ngoại trừ giai đoạn rút ròng do yếu tố mùa vụ trong tháng 3 và 4. Tổng cộng, quỹ thị trường tiền tệ vào ròng 169,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.
Dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu thị trường phát triển tăng mạnh trong tháng 5, đạt 45,2 tỷ USD. Đặc biệt, thị trường Mỹ thu hút 42,3 tỷ USD nhờ lực đẩy từ nhà đầu tư cá nhân và sự bùng nổ từ nhóm cổ phiếu nhỏ và nhóm công nghệ. Trong 5 tháng đầu năm, các quỹ cổ phiếu thị trường phát triển ghi nhận vào ròng 127,1 tỷ USD.
Ngược lại, thị trường đang phát triển rút ròng 1 tỷ USD trong tháng 5, trong đó khu vực Châu Á (trừ Nhật Bản) rút ròng 464 triệu USD. Trung Quốc ghi nhận rút vốn mạnh (-4,4 tỷ USD) chủ yếu từ các quỹ ETF đa quốc gia, trong khi Ấn Độ thu hút 2,6 tỷ USD nhờ kỳ vọng về kết quả bầu cử. Đài Loan thu hút 1,9 tỷ USD vào các quỹ ETF nội, nhưng khu vực Đông Nam Á rút ròng tháng thứ 5 liên tiếp với giá trị 203 triệu USD.
Triển vọng ngắn hạn cho các quỹ cổ phiếu tích cực hơn nhờ hiệu ứng từ các chính sách tiền tệ, khi một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất, cùng với động lực từ nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, khảo sát từ BofA cho thấy các quỹ đầu tư vẫn thận trọng khi cân nhắc giải ngân vào thị trường Mỹ. Diễn biến dòng tiền trong quá khứ vào thị trường cổ phiếu Mỹ trước giai đoạn bầu cử cũng không quá tích cực, ngoại trừ năm 2004. Một điểm đáng lưu ý khác từ khảo sát của BofA là tỷ trọng tiền mặt trong tháng 5 ở mức 4,0%, thấp hơn mức 4,2% của tháng 4 và đang ở ngưỡng “rủi ro đảo chiều” (dưới 4%).
Dòng đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Trong tháng 5, các quỹ ETF tiếp tục rút vốn nhưng giá trị rút ròng đã giảm đáng kể so với hai tháng trước, đạt mức -1,8 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 2,6% tổng tài sản quỹ. Từ đầu năm, các ETF đã rút ròng tổng cộng -12,38 nghìn tỷ đồng, tương đương -16,3% tổng tài sản các quỹ vào cuối năm 2023.
Các quỹ chịu áp lực rút vốn mạnh nhất bao gồm DCVFM VN30, SSIAM VNFIN Lead, và Fubon. Tuy nhiên, đà rút ròng đã chậm lại nhờ quỹ DCVFM VNDiamond giảm tốc độ rút ròng và quỹ iShares Frontier tạm ngừng rút vốn.
Quỹ KIM Growth VN30 tiếp tục ghi nhận dòng vốn vào ròng tích cực trong tháng. Mặc dù duy trì quan điểm thận trọng về dòng vốn vào các quỹ ETF của Việt Nam, tín hiệu tích cực có thể xuất hiện khi môi trường vĩ mô ổn định hơn và Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng chốt lời ở thị trường Đài Loan.
Dòng vốn chủ động có sự phân hóa trong tháng 5, giữa các quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam và các quỹ đầu tư đa quốc gia. Các quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam rút ròng nhẹ khoảng 50 tỷ đồng, trong khi các quỹ đầu tư đa quốc gia tiếp tục rút ròng mạnh. Tổng cộng, dòng tiền rút khoảng 1.500 tỷ đồng trong tháng 5, đưa tổng mức rút ròng trong 5 tháng đầu năm lên hơn 5,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1,2% tổng tài sản quỹ.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong tháng 5 với tổng khối lượng lên đến 19 nghìn tỷ đồng, tập trung vào nhóm ngân hàng và bất động sản. Nguyên nhân chính của sự chênh lệch giữa dòng vốn đầu tư và giao dịch khối ngoại là do các quỹ chủ động mới chỉ tái cơ cấu danh mục và có độ trễ trong thống kê.
Các rủi ro về lãi suất, tỷ giá và chính trị là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến dòng vốn vào Việt Nam ở giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, điểm tích cực là kỳ vọng về bản dự thảo lần 2 của Thông tư cho phép các công ty chứng khoán triển khai hình thức hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức sẽ sớm được công bố, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư trong tương lai.
Thảo Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN