Điểm nhấn giao dịch
Giữ vững đà tăng, chỉ số VNIndex cộng thêm 3 điểm (+0,24%), kết phiên lên sát ngưỡng 1.280 điểm. Sắc xanh duy trì nhờ nỗ lực của FPT (+3,7%), PLX (+4,9%), LPB (+3,8%), GVR (+1,2%), VHM (+0,9%).
Mặt bằng chung lại giao dịch thận trọng hơn, tương ứng 207 mã và 15 mã giảm trên HOSE và VN30.
Trong nhịp xoay vòng, dòng tiền vẫn sôi động ở nhóm CNTT và đẩy mạnh hơn vào nhóm Dầu khí. Các mã OIL, CSV, TNH, NTL, VTP, DRC, REE có phiên bứt phá cả về điểm số và thanh khoản.
Các nhóm giảm lại chủ yếu với biên độ nhẹ, như Bán lẻ, Vật liệu xây dựng, Du lịch giải trí. Sức ép lớn hơn tại một số mã TV2 giảm sàn, POW (-2,3%), DXG (-1,9%).
Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE duy trì ở mức thấp 12,9 nghìn tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục rút ròng 576 tỷ đồng, tập trung tại VHM (-123 tỷ đồng), VRE (-111 tỷ đồng). NLG (+41 tỷ đồng) dẫn đầu chiều mua ròng.
Cập nhật thị trường phái sinh
Thị trường tương lai: HĐ VN30F2407 đóng cửa tại 1.308,6 điểm, tăng +1,6 điểm. KLGD đạt 170 nghìn đơn vị. Điểm Basis chênh lệch -2,03 điểm.
HĐ VN30F2407 tiếp tục tăng điểm dù rung lắc trong phạm vi 1.303 - 1.313. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và MACD theo khung 1H có trạng thái tích cực ngắn hạn, trong đó RSI ở vùng quá mua. Như vậy, HĐ VN30F2407 có thể giằng co tại vùng 1.310 - 1.312 trước khi có những tín hiệu đảo chiều rõ nét hơn.
Chứng quyền: Độ rộng thu hẹp đáng kể còn 18 mã tăng trung bình +5,5% và có đến 54 mã giảm bình quân -5,3%. Thanh khoản duy trì ảm đạm khi giảm lại 21% so với phiên trước, chỉ 28 tỷ đồng.
"VN-Index có dấu hiệu suy yếu khi chỉ số thử thách vùng kháng cự mạnh 1.282 chưa thành. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX vẫn chưa sự đồng thuận cho khả năng bứt phá. Thanh khoản thấp cũng ủng hộ cho nhận định trên. Với việc đóng cửa tạo nến Doji lưỡng lự, chỉ số VN-Index có thể diễn ra rung lắc hướng về vùng 1.268 trong ngắn hạn", chứng khoán SSI phân tích.