Những tin tức dồn dập về các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) của người Thái ở Việt Nam mấy năm trước đã làm dư luận sôi sục bởi những hậu quả chúng sẽ để lại cho nền kinh tế Việt Nam. Người viết bài này đã phân tích và chỉ ra những hậu quả theo kiểu “tin đồn” và thuyết âm mưu này đều là vô lý, bị phóng đại, bi kịch hóa quá mức(1).
Nay nhìn lại tình hình thực tế sau vài năm các thương vụ này được thực hiện, sẽ không khó để thấy nỗi lo sợ về các thương vụ M&A bởi người Thái nói riêng và người nước ngoài nói chung, cũng như những đề xuất mới đây ở Việt Nam về cấm đoán, hạn chế M&A bởi người nước ngoài là rất cảm tính, vô lý, thậm chí còn có hại cho quá trình hồi phục và phát triển kinh tế hậu Covid-19.
Cụ thể hơn, dư luận trước đây lo ngại rằng hàng Việt sẽ bị lấn lướt và gạt bỏ khỏi hệ thống bán lẻ bị chi phối bởi người Thái. Khi đó, người Thái có thể lũng đoạn thị trường Việt Nam do đã nắm cả chuỗi giá trị từ sản xuất đến phân phối tại Việt Nam.
Thực tế ở hệ thống siêu thị BigC rõ ràng không cho thấy có xu hướng tăng rõ rệt về sự “thôn tính” của hàng Thái nhiều hơn so với trước đây, hay sự “lũng đoạn” về giá (tăng giá vô tội vạ), nếu có. Chí ít thì cho đến nay cũng hầu như không có ai lên tiếng lặp lại mối lo này nữa. Nguyên nhân cản trở người Thái làm được việc này là bởi, như người viết đã từng lập luận, người Thái dù có nắm được Big C, Family Mart, Metro, và Nguyễn Kim, và dù những doanh nghiệp, những siêu thị này có quy mô lớn, nhưng chúng không phải là tất cả trong nền kinh tế Việt Nam, trong ngành của chúng, và họ phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp, nhiều hệ thống siêu thị khác của nội địa và nước ngoài.
Mối lo ngại lớn thứ hai là sau khi thâu tóm, các ông chủ mới người Thái sẽ thay thế/hô biến các thương hiệu Việt “một thời vang bóng” như Sabeco bởi các thương hiệu sẵn có/mới của người Thái. Thực tế thì Sabeco vẫn là Sabeco, và cũng chẳng thấy có dấu hiệu rõ ràng nào, nếu có, cho chuyện thay thế/hô biến thương hiệu này.
Lo ngại thứ ba là “miếng ngon cho người hưởng”; các thương hiệu đình đám của người Việt rơi vào tay người Thái để họ hưởng quả ngọt, chuyển lợi nhuận về nước, chẳng để lại gì cho nền kinh tế Việt Nam. Thực tế thì, theo thông tin trên báo chí, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam do người Thái thâu tóm, mua cổ phần như BigC hay Sabeco đều đang rất chật vật, lao dốc...(2).
Sự bốc hơi giá trị vốn hóa của Sabeco làm cho giá trị của gần 54% cổ phần của ThaiBev tại Sabeco rơi thẳng đứng từ 5 tỉ đô la Mỹ tại thời điểm thâu tóm xuống còn chưa được 2 tỉ đô la gần đây. Nếu ở cương vị là “cựu” chủ nhân của số cổ phần này, hẳn nhiều người sẽ phải cảm thấy “hú vía” khi Việt Nam đã “thoát hàng” một cách ngoạn mục với giá không thể tốt hơn được nữa. Đồng nghĩa với điều này là sự thiệt thấy rõ của chủ đầu tư Thái Lan khi đã “trót” đâm lao vào thương vụ thâu tóm Sabeco. Nói cách khác, đừng vì lo ngại vô cớ rằng việc “bán mình” cho người nước ngoài luôn là thua thiệt để tự tước đi các cơ hội tốt để tái cơ cấu, tìm hướng đầu tư mới.
Bài học rút ra thêm ở đây là chúng ta cần tránh việc đưa ra những kiến nghị bất hợp lý tương tự như của một số tổ chức và cá nhân gần đây về chuyện dừng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh. Họ cho rằng đại dịch làm thương tổn nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đẩy họ vào nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm với giá rẻ. Do đó, cần phải “bảo vệ” các doanh nghiệp này bằng cách dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Bài học từ thương vụ thâu tóm Sabeco cho thấy giá rẻ hay đắt chỉ mang tính thời điểm, hoàn toàn mang tính tương đối, và tùy thuộc góc nhìn. Với các thương vụ M&A hiện nay, trong đại dịch, có thể nói rằng giá thâu tóm là rẻ, nhưng là rẻ so với trước khi xảy ra đại dịch, chứ không nhất thiết là rẻ so với doanh nghiệp khác, ở nước khác. Đứng từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài, họ có rất nhiều lựa chọn trong thời điểm hiện tại, khi nhìn chung giá cả doanh nghiệp trên thế giới đều sụt giảm so với trước đại dịch. Nếu ngăn họ thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam thì họ vẫn sẽ có nhiều lựa chọn khác hấp dẫn không kém, vậy điều gì làm họ mặn mà với doanh nghiệp Việt Nam nếu họ không được chào mời? Nếu đứng từ góc độ doanh nghiệp phải bán mình, ngăn cấm họ bán mình thực tế có thể đẩy họ vào chỗ chết nhanh hơn, chứ không phải là cứu họ.
Tâm lý lo sợ doanh nghiệp bị thâu tóm với giá rẻ trong khủng hoảng cũng hệt như tâm lý “tranh thủ cơ hội” mua được hàng hóa với giá hời trong khủng hoảng trước đây, chỉ khác là chúng ở hai thái cực đối lập. Như đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1999-2000, việc không ít doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam tranh thủ (đề xuất) mua máy móc, thiết bị như tàu biển (cũ) đã để lại những hậu quả tai hại sau này. Nói cách khác, các “cơ hội” trong các cuộc khủng hoảng, bất ổn chỉ là cơ hội với người này nhưng không nhất thiết phải là cơ hội trong con mắt của người khác, nên việc thâu tóm doanh nghiệp hãy để nó xảy ra một cách tự nhiên, theo cơ chế thị trường.
Đó là chưa kể chúng ta còn có những chốt chặn an toàn khác ngăn chặn sự thâu tóm không lành mạnh, như các quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa doanh nghiệp bởi nước ngoài trong các ngành nghề. Điều này càng làm cho đề xuất dừng M&A các doanh nghiệp Việt Nam trở nên yếu lý.