Độc đáo: Nơi này có những cây măng cụt hơn 100 tuổi đời

Hiện gia đình bà Phượng có 40 cây măng cụt, trong đó có nhiều cây đã gần 100 năm tuổi với tán cây rộng và cao hơn 30m. Mặt dù thời tiết đang hanh khô nhưng khi vừa đặt chân vào vườn măng cụt, chúng tôi cảm thấy thấy khoan khoái dễ chịu...
 
Từ lâu, đặc sản măng cụt ở TX Thuận An (Bình Dương) đã được nhiều người biết đến bởi vị ngon, ngọt hiếm có. Không chỉ thế, Thuận An còn nổi tiếng với những vườn măng cụt trăm năm tuổi nằm giữa lòng đô thị sầm uất.
Nghĩa tình với “cụ” măng cụt
Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi được anh Phạm Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Thạnh, dẫn đến tham quan những vườn măng cụt tại địa phương.
Chỉ tay vào những cây măng cụt phủ bóng mát rượi, bà Phượng kể: “Vườn măng được ông bà trồng từ thời chiến tranh. Tôi nghe gia đình kể lại rằng không ít lần bom đạn rơi vào vườn măng khiến nhiều cây bị chết cháy hoặc gãy ngã. Thậm chí có lần địch đến dùng dao chặt trụi cành để không cho bộ đội có chổ ẩn nấp. Quân địch rút, ông bà quay trở lại chăm sóc vườn cây. Cây không phụ lòng người. Nhờ có vườn măng này mà gia đình tôi vượt qua những năm kinh tế khó khăn. Vì vậy, gia đình tôi quý từng gốc măng”.
Doc dao: Noi nay co nhung cay mang cut hon 100 tuoi doi
 “Cụ” măng cụt hơn 100 tuổi của gia đình ông Lê Sơn Thủy ở khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: N.HẬU
Bà Phượng chia sẻ thêm, năm nay năng suất của vườn măng cụt cao hơn so với 2 năm gần đây. Giá bán măng cụt cao và ổn định. Sau khi trừ các chi phí, gia đình bà “bỏ túi” khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, so với trước đây, thu nhập của gia đình bà Phượng từ vườn măng cụt đã giảm đáng kể.
Trong khi đó, việc chăm sóc măng cụt ra trái ngày càng khó mà tiền thu hoạch không đủ chi phí cho các khoản chăm sóc. Vì vậy, nhiều chủ vườn cây không còn “kiên nhẫn” với cây măng cụt già cỗi nên chặt bỏ trồng cây khác hoặc xây nhà trọ cho thuê. Riêng đối với bà Phượng, bà vẫn quyết tâm giữ vườn măng cụt cổ thụ này.
Rời nhà bà Phượng, chúng tôi đến thăm vườn măng cụt của gia đình ông Lê Sơn Thủy (76 tuổi, ngụ khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm). Chỉ tay về những gốc măng cụt xanh tốt có tuổi thọ hơn 100 năm, ông cho chúng tôi biết đó là tài sản quý báu do ông bà để lại cho con cháu.
Doc dao: Noi nay co nhung cay mang cut hon 100 tuoi doi-Hinh-2
Bên cạnh những cây măng cụt cổ thụ thì ở phường Bình Nhâm, TX Thuận An (Bình Dương) vẫn còn nhiều cây măng cụt hơn 10 năm tuổi trở lên đang cho trái khoẻ. 
“Trước đây, một số cây ăn trái lâu năm trong vườn bị chết, trong đó có một số cây măng lớn tuổi khiến chúng tôi rất buồn, tiếc. Đã có lúc chúng tôi nghĩ không thể giữ được vườn cây vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Trước tình trạng trên, chúng tôi tìm cách chủ động nguồn nước tưới bằng cách làm “bọng” nước riêng và tìm cách trữ nước, hạn chế nguồn nước ô nhiễm xâm nhập vào vườn cây. Cùng với đó, chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước nên vườn cây của gia đình đang hồi sinh”.
Ông Thủy cho biết thêm, trước đây ông chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân để chăm sóc vườn măng cụt nên nhiều khi năng suất không đạt như ý. Từ ngày ngành chức năng tạo điều kiện cho ông tham gia các buổi tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc vườn măng cụt nên những gốc măng cụt èo uột trở nên xanh tốt và trĩu quả hơn.
Quyết giữ vườn măng cụt trăm tuổi
Hiện nay diện tích vườn măng cụt trên địa bàn TX.Thuận An là hơn 680 ha (trong đó hơn 650 ha đang trong giai đoạn cho thu hoạch), chiếm trên 59,3% diện tích vườn cây ăn trái của địa phương. Thế nhưng, trong những năm qua, vườn cây ăn trái đã có biểu hiện sụt giảm về năng suất, chất lượng.
Theo nhiều chủ vườn măng cụt, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do tình hình thời tiết trong những năm gần đây thay đổi bất thường. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp đã khiến môi trường đất, nước bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trường và phát triển của nhiều loại cây ăn trái, nhất là loại cây “khó tính” như măng cụt.
Kết quả là măng cụt ra trái không nhiều cùng với việc măng cụt Thuận An đang bị măng cụt của địa phương khác cạnh tranh về giá bán dẫn đến thu nhập của nông dân giảm đáng kể. Từ đó, người dân cũng ngại đầu tư vào vườn cây.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh và TX.Thuận An đã đưa ra một số chương trình và chính sách hỗ trợ vườn cây ăn quả đặc sản, trong đó có măng cụt. Gần đây nhất là Quyết định số 63/2016/QĐ-UBND ngày 20-12-2016 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển vườn cây giai đoạn 2017-2021.
Nói về hiệu quả của chính sách này, bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, cho biết chính sách hỗ trợ vườn cây ăn trái đặc sản bước đầu đã giúp nông dân ý thức được trách nhiệm với vườn cây ăn trái đặc sản truyền thống; đáp ứng được sự mong đợi của nhiều hộ dân có vườn cây và góp phần về khả năng phục hồi vườn cây; cải thiện được đời sống của nông dân, góp phần tích cực khôi phục vườn cây.
Bà Phương cho biết thêm, ngoài chính sách trên, UBND tỉnh và TX.Thuận An còn nghiên cứu tìm biện pháp để cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng để giữ được vườn cây và tăng thu nhập cho nông dân.
Hàng năm, địa phương đều có kế hoạch tổ chức nạo vét, khai thông dòng chảy các hệ thống thoát nước để chủ động việc tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn, giữ ngọt để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vườn. Đồng thời, địa phương cần kết hợp việc xây công trình thủy lợi với xây dựng giao thông nông thôn phục vụ cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản đến thị trường.
Đây là công tác quan trọng đối với việc duy trì và phát triển vườn cây ăn trái trong những năm sắp tới. Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, như: Bón phân hợp lý; tăng cường sử dụng phân hữu cơ; thuốc vi sinh;… để sản xuất trái cây an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Cùng với đó, TX.Thuận An còn thực hiện đồng bộ 4 khâu sản xuất, thu mua, chế biến - bảo quản và tiêu thụ với chương trình liên kết “bốn nhà”. Trong đó vai trò của Nhà nước là “cầu nối” để liên kết các nhà còn lại. Đồng thời, UBND thị xã còn có chính sách hỗ trợ vốn cho nhà nông, doanh nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn;
Thị xã Thuận An cũng thông tin rộng rãi và kịp thời những giống tốt chất lượng cao và địa chỉ cung ứng giống cho các nhà vườn; tổ chức phát động phong trào sản xuất để thu hút nông dân các xã, phường ven sông Sài Gòn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào vườn cây và tham gia đăng ký xây dựng phát triển thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu” để tăng giá trị sản phẩm trái cây đặc sản Thuận An và giữ vững top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam bầu chọn tháng 8-2012.
Theo Nguyễn Hậu/Báo Bình Dương

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN