Những công ty này đang làm ăn như thế nào trong thời gian qua?
Kinh Bắc City quay về quỹ đạo giảm lãi sau quý 2 huy hoàng
Nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp thuận lợi, KBC báo lãi trong quý 2 đến 300 tỷ đồng, gấp 5 lần so cùng kỳ. Niềm vui chẳng kéo dài bao lâu, Công ty lại báo lãi quý 3 sụt giảm 44% do gánh nặng chi phí giá vốn.
Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 916,5 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng mạnh 128% khiến lãi gộp trong kỳ của KBC đạt 366,6 tỷ đồng, giảm 12. Kết quả, KBC lãi sau thuế 132,2 tỷ đồng trong quý 3/2019, giảm 44% so cùng kỳ.
Theo giải trình từ phía KBC, lãi ròng trong quý 3/2019 chủ yếu từ bán hàng tại các công ty con có biên lợi nhuận thấp hơn và tỷ lệ sở hữu của Công ty mẹ tại công ty con thấp hơn. Còn trong quý 3/2018, lãi ròng chủ yếu đến từ cho thuê đất khu công nghiệp và bán nhà xưởng của Công ty mẹ nên có biên lợi nhuận cao hơn.
Lợi nhuận sau thuế 9 tháng, Công ty ghi nhận 645 tỷ đồng, tăng 22% cùng kỳ và hoàn thành được 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tổng nợ phải trả tính đến 30/9 là 7.346 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 4.133 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của KBC là 10.247 tỷ đồng và hàng tồn kho trị giá 8.128 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng dở dang của KBC tính đến 30/9 là 138 tỷ đồng, gồm: Khu ngoại giao đoàn Hà Nội, Khu công nghiệp Quế Võ, nhà máy nhiệt điện Bắc Giang, nhà xưởng Khu công nghiệp Quang Châu.
|
Đô thị Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm |
Không sắp xếp được dòng tiền, chây ì cổ tức của cổ đông nhiều năm
Giai đoạn 2014-2018, KBC chưa một lần chia cổ tức cho cổ đông mặc dù lợi nhuận lũy kế đến cuối năm 2018 hơn 3,650 tỷ đồng.
KBC cho biết dòng tiền để chi trả cổ tức HĐQT dự kiến lấy từ dòng tiền thu được của các thỏa thuận đã ký kết đối với dự án khu đô thị Phúc Ninh.
Thế nhưng, thời tiết trong năm 2018 không “hỗ trợ” cho kế hoạch này của KBC. Do mưa nhiều nên việc triển khai xây dựng hạ tầng và nhà ở của dự án này chậm tiến độ, vì vậy KBC chưa bàn giao được đất và nhà cho khách hàng.
Còn các dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp, Công ty mẹ phải dùng để thanh toán các khoản nợ đến hạn trong năm với tổng nợ gần 901 tỷ đồng và tái đầu tư.
Do đó, Công ty chưa thu xếp được nguồn tiền mặt để thực hiện chi trả cổ tức như kế hoạch,đồng thời HĐQT cũng không muốn thực hiện kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu khi chưa chi trả cổ tức bằng tiền.
Khát vốn đành huy động 500 tỷ đồng từ việc vay công ty con và phát hành trái phiếu
Trước những khó khăn trong dòng tiền kinh doanh, KBC đã tính kế huy động nửa ngàn tỷ đồng để bổ sung vào vốn lưu động cũng như thực hiện dự án.
Trong ngày 18/10, KBC vay của CTCP Khu công nghiệp Sài gòn - Bắc Giang 300 tỷ đồng với mục đích bổ sung vốn lưu động của Công ty.
Thời gian vay là 2 năm với lãi suất vay theo thỏa thuận từng hợp đồng vay và tiền lãi thanh toán một lần khi tất toán khoản vay.
Được biết, Khu công nghiệp Sài gòn - Bắc Giang được thành lập tháng 4/2005 chuyên đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Công ty có người đại diện theo pháp luật là ông Mai Tuấn Dũng, trụ sở chính tại Khu công nghiệp Quang Châu, xã Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang.
Ngoài ra, Công ty này cũng được biết đến là một công ty con của KBC với tỷ lệ biểu quyết của KBC là 80,8%, tỉ lệ lợi ích là 77,93%.
Cũng trong ngày 18/10, KBC cũng đã phát hành 2 triệu trái phiếu có tổng giá trị 200 tỷ đồng với kì hạn 18 tháng, lãi suất hai kì đầu tiên là 10,5%/năm và đối với kỳ tính lãi tiếp theo là 3,8%/năm cộng với lãi suất tham chiếu.
|
Ông Đặng Thành Tâm. |
Các công ty khác của đại gia Đặng Thành Tâm ra sao?
Công ty khác của đại gia Đặng Thành Tâm là CTCP Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (Saigontel, SGT). Saigontel được thành lập năm 2002 và là doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông, đây được xem là lĩnh vực cốt lõi của doanh nghiệp này.
Saigontel cũng đang có lợi nhuận giảm sút mạnh trong quý 3/2019 cũng như những quý gần đây.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3, doanh thu thuần của Saigontel đạt gần 133 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế giảm 94% đạt 1,2 tỷ đồng.
Giải trình về nguyên nhân dẫn đến việc lãi giảm, phía Saigontel cho biết, doanh thu trong quý 3 giảm 22% do doanh thu hoạt động khác tại các đơn vị tương đối ổn định, riêng tại chi nhánh Bắc Ninh đang tập trung vào đền bù giai đoạn 2 nên không phát sinh doanh thu cho thuê đất.
Chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 71% do công ty mẹ đang tập trung triển khai nhiều dự án kéo theo chi phí vận hành cho khối quản lý tăng cao.
Không những kết quả kinh doanh kém khả quan, mà cổ phiếu SGT của công ty này còn liên tục rơi vào diện bị cảnh báo. Cổ phiếu SGT đã từng giao dịch tới mức đỉnh hơn 60.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên trong suốt thời gian dài trở lại đây SGT chỉ xoay quanh vùng giá 6.000 đồng/cổ phiếu, tức là giảm tới 90% giá trị.
|
Cổ phiếu SGT bay mất 90% thị giá từ mức cao nhất. |
Hiện tại, ông Đặng Thành Tâm đang là cổ đông lớn nhất tại Saigontel với tỷ lệ cổ phần nắm giữ lên tới 23,69%.
Ngoài ra, ông Đặng Thành Tâm còn là cổ đông của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) khi sở hữu hơn 29 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 3,1%. Tân Tạo là công ty của bà Đặng Thị Hoàng Yến, chị gái ông Tâm và cũng là người đang nắm giữ 5,79% cổ phần.
Cũng tương tự như Kinh Bắc, Tân Tạo cũng có lợi nhuận giảm sút trong thời gian gần đây đồng thời cũng để cho cổ đông “dài cổ” chờ đợi cổ tức.
Trong quý 3/2019, ITA mang về 452 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 93% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn hàng bán của Công ty cũng tăng cao 267% khiến lợi nhuận gộp trong quý giảm 19% đạt 115 tỷ đồng. Lãi ròng của Công ty cũng giảm 21% so với cùng kỳ, đạt 66 tỷ đồng.
Các năm gần đây, ITA thường đặt mục tiêu kinh doanh cao nhưng nhiều lần không hoàn thành được kế hoạch.