Trong phiên 24/9, thị giá MBB dừng lại tại mức 28.700 đồng/cp, với giá trị giao dịch đến 29 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, khối ngoại mua ròng MBB với khối lượng khủng hơn 11 triệu đơn vị.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MBB liên tiếp được khối ngoại mua ròng trong hơn hai tháng trở lại. Khối lượng mua ròng thường xuyên nằm trong top lớn nhất toàn thị trường.
Như trong phiên 23/9, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 75 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 2,7 triệu đơn vị. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của ngân hàng này hiện ở mức hơn 23%.
Trước đó vào phiên giao dịch ngày 9/7, khối ngoại đã mua vào cổ phiếu MBB với 9,6 triệu đơn vị; phiên 8/7 với 110.000 đơn vị cổ phiếu MBB được khối ngoại tiếp tục mua; Phiên 7/7 với 241.000 cổ phiếu MBB được nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào.
|
Khối ngoại gom ròng 11 triệu cổ phiếu MBB trong phiên 24/9. |
Vì sao cổ phiếu MBB được khối ngoại săn đón như vậy? Theo nhiều ý kiến đơn giản vì room ngoại của MBB được nới rộng từ 8,5% lên 15% - thuộc mức cao top đầu.
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), nhiều ngân hàng vừa được cấp thêm room tín dụng, tập trung chủ yếu ở nhóm thương mại cổ phần. Việc nới room tín dụng phụ thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất.
Trong đó, Techcombank và TPBank là 2 ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, lần lượt là 17,1 và 17,4%, do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) Basel 2 ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro và có những cam kết hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới.
Tiếp theo là MSB với mức nới room từ 10,5% đầu năm lên 16%, MB từ 8,5% lên 15%; VIB từ 8,5% lên 14,1%; LienVietPostBank và ACB từ 8,5% và 9,5% cùng lên 13,1%...
Bên cạnh đó, báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy các ngân hàng có tập khách hàng phong phú và đa dạng như Vietcombank, Techcombank, ACB, MB... sẽ tận dụng được hồi phục kinh tế nói chung cũng như từ sự phục hồi ngành sản xuất, dịch vụ nói riêng.
Bên cạnh đó, nhóm có nguồn vốn dồi dào với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao như TCB, VCB, MBB cho phép các ngân hàng này cung cấp tín dụng cho khách hàng với lãi suất cho vay cạnh tranh. Đây cũng là điều lý giải vì sao cổ phiếu MBB nói riêng và nhóm ngân hàng nói chung tiếp tục hút dòng tiền mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài.
Ở một diễn biến khác, ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc MBB đã bán xong 2 triệu cổ phiếu MBB từ ngày 25/8-20/9.
Sau khi bán xong, số cổ phần MB ông Minh nắm giữ đã giảm xuống còn 1,13 triệu đơn vị, tương đương xấp xỉ 0,03% vốn điều lệ ngân hàng.
Trong khoảng thời gian ông Minh thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu MBB dao động quanh mức 28.000 đồng/cp, thấp hơn 13% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 7. Ước tính với mức giá này, Phó Tổng giám đốc MB đã thu về khoảng 56 tỷ đồng sau giao dịch trên.
Vào ngày 12/8 vừa qua, gần 980 triệu cổ phiếu MBB đã được niêm yết bổ sung trên HoSE và sẽ được giao dịch trên thị trường kể từ ngày 25/8.
Số cổ phiếu này là cổ tức năm 2020 được ngân hàng chi trả theo tỷ lệ 35%. Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của MB đã tăng thêm 9.795 tỷ đồng lên hơn 38.600 tỷ đồng, qua đó, chính thức vượt lên trước Vietcombank, Agribank, Techcombank.
Dự phóng về kết quả kinh doanh, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính thu nhập lãi trong nửa cuối năm 2021 của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1.000 tỷ đồng đến từ việc giảm lãi suất cho vay được công bố vào tháng 7.
Trong tháng 8, MB cho biết đã ghi nhận 700 tỷ đồng trong số 1.000 tỷ đồng thu nhập lãi giảm. Trong khi đó, phần còn lại sẽ được ghi nhận trong vài tháng cuối năm 2021.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, thu nhập lãi thuần (NII) của MB đã hoàn thành 49% dự báo trước đó.
Thu nhập lãi thuần năm 2021 của ngân hàng ước đạt 25.793 tỷ đồng, tăng 27% so với cuối năm 2020. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 dự báo tăng 56% so với đầu năm, đạt 16.643 tỷ đồng.