Do đâu cổ phiếu ngân hàng đồng loạt 'nổi sóng' phiên 4/1?

Sau thời gian dài lặng sóng, nhóm cổ phiếu ngân hàng bất ngờ bùng nổ trong phiên giao dịch 4/1 nhờ thông tin tăng trưởng tín dụng. 
Khép lại phiên giao dịch 4/1, thị trường giao dịch bùng nổ với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm ngân hàng đã lặng sóng trong một thời gian dài nguyên nhân đến từ áp lực nợ xấu và nút thắt tăng trưởng tín dụng.
Trở lại với phiên giao dịch hôm nay, sắc xanh bao phủ loạt cổ phiếu vua, trong đó MBB và CTG còn có thời điểm chạm trần. Nhóm này còn đóng góp đến 7 điểm trong đà tăng của chỉ số VN-Index. Đà tăng của nhiều cổ phiếu ngân hàng được đóng góp từ khối ngoại.
Theo thống kê, các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trên sàn chứng khoán phiên 4/1 đều trong nhóm ngân hàng như VCB, VPB, MSB, CTG,…
Do dau co phieu ngan hang dong loat 'noi song' phien 4/1?
Thống kê các cổ phiếu khối ngoại mua ròng phiên 4/1. 
Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng sau khi đón nhận thông tin quan trọng liên quan đến tăng trưởng tín dụng tại buổi họp báo "Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024" diễn ra vào ngày 3/1. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%. Mặc dù, kết quả trên thấp hơn con số kỳ vọng là 14 – 15% nhưng không nhiều. "Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 khoảng 13,5 triệu tỷ, mức tín dụng tăng thêm ước khoảng 2 triệu tỷ đồng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú ước tính.
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh NHNN sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Kỳ vọng nhóm ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng tín dụng 2024
Trong Báo cáo chiến lược 2024, Chứng khoán Dầu khí (PSI) kỳ vọng nhóm ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng tín dụng năm nay tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu. Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2024 sẽ là động lực cho tốc độ tăng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế năm 2024 cải thiện và đạt khoảng 13%-14% so với cuối năm 2023.
Hầu hết vốn huy động với lãi suất cao sẽ đáo hạn trong khoảng cuối năm 2023 và quý 1/2024 kết hợp với lãi suất huy động thấp khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng lên sẽ giúp cho các NHTM giảm chi phí vốn. PSI kỳ vọng NIM của các NHTM sẽ cải thiện từ quý 2/2024 sau khi giảm trong quý 3 và quý 4/2023.
Tuy nhiên, mức độ cải thiện sẽ phân hoá giữa các nhóm Ngân hàng. Trong đó, nhóm NHTM tư nhân có thể chứng kiến NIM cải thiện rõ ràng hơn (+20bps). Các Ngân hàng HDB, MSB, SHB, SSB có thể chứng kiến tăng trưởng NIM cao hơn mức trung bình của ngành.
Đối với nhóm các NHTM quốc doanh, áp lực duy trì lãi cho vay thấp để đảm bảo nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế có thể khiến cho NIM tăng chậm hơn (+10bps).
Do dau co phieu ngan hang dong loat 'noi song' phien 4/1?-Hinh-2
 Nguồn: PSI.
Thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm của các Ngân hàng thương mại giảm trong năm 2023 sau các bê bối liên quan tới dịch vụ Bancassurance của Ngân hàng và dự kiến có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi NHNN kiểm soát chặt chẽ hơn dịch vụ này để bảo vệ lợi ích của khách hàng đi vay.
Vì vậy, PSI cho rằng tăng trưởng thu nhập ngoài lãi của các Ngân hàng trong năm 2024 sẽ chủ yếu dựa vào hoạt động kinh doanh nguồn vốn (ngoại hối, vàng, đầu tư trái phiếu).
Thêm vào đó, giá trái phiếu có quan hệ nghịch đảo với lãi suất, do đó những NHTM sở hữu lượng lớn TPCP trong danh mục đầu tư của mình như MBB, OCB, LPB (giá trị TPCP nắm giữ trên 5% TTS) có thể sẽ ghi nhận thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tích cực trong năm 2024.
Chất lượng tài sản ngành Ngân hàng đã suy giảm đáng kể trong năm 2023 với mức nợ xấu toàn ngành ước tính là khoảng 2,35% tổng dư nợ tín dụng (+75bps so với cùng kỳ).
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN