|
Tác giả Nguyễn Hữu Khánh - Viện Chiến Lược Phát Triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Ảnh: NVCC. |
Tiếp tục góp một góc nhìn, xin giới thiệu với bạn đọc ý kiến của ông Nguyễn Hữu Khánh đang công tác tại Viện Chiến Lược Phát Triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Thuế tài sản có lợi thế so với các loại thuế khác
Luật thuế tài sản do Bộ Tài chính chuẩn bị đang được công chúng rất quan tâm vì chúng ta ai cũng có nhu cầu chỗ ở, cố gắng tiết kiệm tiền mua được ngôi nhà là mục tiêu đầu tiên để xây dựng tổ ấm của mình.
Trước hết xin được phân tích tài sản về khía cạnh kinh tế để chúng ta hiểu được đặc tính của nó liên quan đến công cụ thuế. Để đơn giản, giả định rằng giá trị tài sản không đổi theo thời gian vì quá phức tạp để phân tích. Chỉ có chiết khấu hay dòng thu nhập từ cho thuê tài sản có ảnh hưởng đến hành vi của người nắm giữ nó.
Tài sản là khoản tích lũy theo thời gian của hộ gia đình hay của người lao động từ hoạt động có thu nhập hoặc thừa kế, xin loại trừ trường hợp trúng sổ số. Do đặc tính tiết kiệm và mong muốn xây dựng tương lai của con cháu tốt hơn mình, nên tài sản của chúng ta thường có qua trình tích lũy rất dài, liên thế hệ (nhiều đời) chứ không chỉ trong 1 năm hay ngắn hạn.
Tài sản là trữ lượng (stock) phụ thuộc vào dòng ra (outflow) và dòng vào (inflow). Có nghĩa là tài sản của một cá nhân tăng lên hay giảm đi tùy thuộc vào dòng ra và dòng trong chu kỳ thu nhập của cá nhân đó. Một đặc tính cần lưu ý cho người nắm giữ tài sản, khi cả dòng ra và dòng vào bằng nhau hoặc bằng 0, tài sản (stock) không thay đổi.
|
Đề xuất đánh thuế tài sản với nhà trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng khiến dư luậncó ý kiến không hài lòng. |
Tuy nhiên, xét về khía cạnh người nộp thuế, dòng ra và dòng vào bằng nhau so với cả dòng ra và dòng vào bằng 0 là không giống nhau. Người có dòng ra dòng vào bằng nhau có thể điều chỉnh chi tiêu và thu nhập để nộp thuế, còn người không có thu nhập thì không thể điểu chỉnh được.
Thuế tài sản có lợi thế so với các loại thuế khác. Tài sản là hữu hình có thể đo lượng và định giá được. Người nắm giữ tài sản là nhà đất sẽ khó cất giấu và vận chuyển như vàng, tiền hay các đồ vật có giá trị khác. Nếu được quản lý tốt việc thu thuế tài sản là nhà đất dễ dàng hơn.
Một điểm khác nữa nếu đây là tài sản cho thuê, đường cung bất động sản là cung không co giãn (đừng cung thẳng đứng) hoặc cho giãn ít nên người chịu thuế là người bán. Với giả định người nắm giữ tài sản là người giàu trong xã hội, công cụ thuế đang đánh vào người giàu. Nếu vậy, kết quả của nó không ảnh hưởng đến tính công bằng của công cụ thuế.
Ba bất lợi khi áp dụng Luật Thuế tài sản
Nếu Luật Thuế tài sản được áp dụng trong thực tiễn, có thể 3 bất lợi chính.
Thứ nhất, thuế có thể đánh vào người không có thu nhập, không có khả năng nộp thuế mặc dù họ có tài sản được thừa kế hoặc tích lũy trong thời gian có thu nhập trước đây.
Lấy ví dụ hai vợ chồng về hưu, tài sản đang sử dụng được tích lũy khi cả hai người đang đi làm. Hiện cả hai chỉ có tiền lương hưu đủ trang trải không thể nộp khoản thuế tương ứng với tài sản họ đang ở.
Điều này sẽ tồi tệ hơn nếu các con góp tiền xây nhà cho bố mẹ già và tiếp đến góp tiền nộp thuế. Như vậy, công cụ thuế đã không công bằng trong trường hợp này. Bộ Tài chính có đề xuất nếu ai không nộp thuế được sẽ cho nợ thuế đến khi bán tài sản. Với mức thuế 0,4%, giả định ngưỡng miễn thuế nhỏ, sau 250 năm tiền thuế phải đóng bằng tiền tài sản. Bộ Tài chính có định sung công tài sản này?
|
Thuế tài sản có thể đánh vào người không có thu nhập, không có khả năng nộp thuế mặc dù họ có tài sản được thừa kế hoặc tích lũy trong thời gian có thu nhập trước đây. |
Thứ hai, việc định quản lý và định giá tài sản sẽ gặp nhiều khó khăn đối với tài sản trên đất. Do đặc tính gắn liền với đất nên rất nhiều người không bán đất mặc dù không sử dụng. Trường hợp tôi được bố mẹ thừa kế cho một mảnh đất, mặc dù không ở nhưng vẫn phải giữ để tự bảo hiểm cho bản thân.
Người Việt Nam vốn không ai muốn bán đất hương hỏa của ông cha để lại trừ trường hợp bần cùng. Chính quyền địa phương khi đối mặt với việc này cũng rất khó khăn vì sự khác biệt giữa luật và lệ. Còn nhớ mấy năm trước khi đề xuất thu phí sử dụng đường giao thông đối với xe máy. Rất nhiều nhà quản lý tin rằng đây là nguồn thu lớn để tái đầu tư cho công trình giao thông. Nhưng khi chưa quản lý được chủ sở hữu và cách thức sử dụng thì công cụ thu thuế phí rất dễ thất bại. Chúng ta chờ xem công cụ thuế tài sản.
Thứ ba, người nắm giữ tài sản sẽ tìm cách trốn thuế. Thay cho việc có 1 ngôi nhà 1,2 tỷ đồng phải chịu thuế. Tài sản có thể được chia nhỏ thành 2 căn nhà, mỗi căn 600 triệu đồng để khỏi phải chịu thuế.
Trường hợp nữa khác có thể là người dân sẽ không xây nhà đến mức chịu thuế, và các ngôi nhà có giá bằng 699 triệu sẽ rất phổ biến. Trường hợp xấu hơn là chuyển tài sản ra nước ngoài.
Mặc dù rất khó thống kê chính xách số tiền chảy ra nươc ngoài, nhưng ghi nhận nhiều người Việt đưa tiền ra nước ngoài mua tài sản nhà đất cho con, cháu ở hoặc cho thuê. Nếu như ở các nước giàu họ đến chào mời người Việt mua nhà sẽ cấp "thẻ xanh, thẻ đỏ" để trở thành công dân tạm thời hay dài hạn của họ. Luật thuế của chúng ta đang là một yếu tố đẩy (push) cho các tài sản chuyển dịch ra nước ngoài một cách nhanh hơn.
Xin lưu ý rằng thuế tài sản không phổ biến ở nước ngoài, ngoài trừ thuế chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản hay thuế cho thuê nhà. Loại thuế này thường do chính quyền địa phương thực hiện. Thuế suất đa số các nước áp dụng là 0,1-0,2%.
"Việc Bộ Tài chính trích dẫn thuế suất của Indonesia là 0,5% chưa chính xác. Theo thông tin từ trang smartexpat.com, tài sản ở Indonesia được đánh giá theo hai cách. Đầu tiên, đất đai được định giá, thì bất kỳ sự phát triển nào có trên đất đó đều được đánh giá kèm theo. Thuế bất động sản do đó được tính trên cả giá trị của đất và bất kỳ tòa nhà có thể nằm trên mảnh đất đó. Thuế bất động sản ở Indonesia được định nghĩa là Thuế Đất đai và Xây dựng hoặc Pajak Bumi dan Bangunan.
Thuế Đất đai và Xây dựng được thanh toán hàng năm và được quản lý bởi các văn phòng địa phương của Tổng cục Thuế (Direktorat Jenderal Pajak, Kementerian Keuangan Republik Indonesia).
Tỷ lệ thuế thay đổi theo khu vực, nhưng nói chung là từ 0,1-0,2% giá trị của tài sản. Đánh giá lại thuế được thực hiện ba năm một lần, ngoại trừ các khu vực phát triển nhanh sẽ được đánh giá lại mỗi năm .
Khu nhà ở trị giá trên 1 tỷ rupiah được đánh thuế ở mức cao nhất (0,2%). Tài sản có giá trị dưới 8 triệu rupiah được miễn các sắc thuế bất kỳ như các tài sản được sử dụng vì lợi ích công cộng (mục đích xã hội, giáo dục và tôn giáo)", ông Nguyễn Hữu Khánh chia sẻ.