Điều gì khiến mã thuộc 'dòng họ cổ phiếu Trịnh Văn Quyết' tăng trần liên tiếp 5 phiên?

Trong tuần 20-24/4, cổ phiếu KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS – một cổ phiếu trong “họ FLC” tăng trần liên tiếp với khối lượng giao dịch tăng đột biến.

Trong phiên cuối tuần rồi (24/4), cổ phiếu KLF tiếp tục tăng trần lên mức 1.900 đồng/cp với gần 12 triệu đơn vị được khớp lệnh, đứng đầu sàn HNX, dư mua gần 2,7 triệu đơn vị.

Đây là phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp của KLF với thanh khoản lớn và liên tục dư mua giá trần. Tính chung trong cả tuần thì cổ phiếu này tăng đến 36%.

Còn nhớ, trong khoảng thời gian từ 13-18/3 thì cổ phiếu KLF đã có lần tạo sóng khi tăng trần liên tiếp trong 4 phiên với khối lượng giao dịch trung bình 4 triệu đơn vị/phiên.

Ngay trong phiên sau đó 19/3, cổ phiếu KLF bất ngờ đổ đèo, khối lượng xả hàng khá lớn khối lượng giao dịch trong phiên này lên đến 29,8 triệu đơn vị. Kể từ đó, cổ phiếu KLF đổ đèo và nằm sàn nhiều phiên sau đó.

Dieu gi khien ma thuoc 'dong ho co phieu Trinh Van Quyet' tang tran lien tiep 5 phien?
 Diễn biến giao dịch tím ngắt của KLF trong 5 phiên. 

Cổ đông lớn nhất của KLF hiện nay là Tập đoàn FLC với sở hữu hơn 24,4 triệu cổ phiếu, tương đương 14,76%. Liên quan đến FLC thì công ty của ông Trịnh Văn Quyết mới đây đã thông qua chủ trương nâng sở hữu tại FLC Travel lên tối đa 79,2% thông qua việc mua cổ phần từ các cổ đông hiện hữu.

Đáng nói, FLC Travel hiện đang là công ty liên kết của KLF khi KLF sở hữu 36,6% vốn FLC Travel tính đến cuối năm 2019, hiện tại FLC không nắm cổ phần nào tại FLC Travel.

Theo thông tin công bố thì FLC sẽ mua lại cổ phần tại FLC Travel từ tay các cổ đông hiện hữu. Dù không nêu rõ chi tiết ai là bên bán trong thương vụ lần này, KLF chắc hẳn liên quan đến các giao dịch khi vẫn đang sở hữu 36,6% FLC Travel tính đến cuối năm 2019.

Ngoài thông tin hỗ trợ trên thì gần đây KLF chỉ công bố các thông tin liên quan đến tình hình kinh doanh. Trong năm 2019 vừa rồi, lãi ròng sau kiểm toán của KLF giảm đến 88% về vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng. Công ty cho biết nguyên nhân lãi bốc hơi là do đã trích lập bổ sung một số khoản phải thu và dự phòng khoản đầu tư vào đơn vị liên kết.

Chính điều này khiến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của KLF ghi âm tới 527 tỷ đồng.

Năm 2020, KLF định hướng tiếp tục phát triển các mảng kinh doanh như thiết bị y tế, vật liệu xây dựng,… Công ty đặt mục tiêu mang về 1.200 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm 34% so với thực hiện năm 2019.

Lãi trước thuế và lãi sau thuế mục tiêu là 15 tỷ đồng và 12 tỷ đồng, lần lượt tăng tăng 640% và tăng 755% so với kết quả năm trước.

KLF cũng cho biết, khoản góp vốn đầu tư vào dự án xây dựng tòa nhà FLC Complex tại 36 Phạm Hùng (Hà Nội) đã hoàn thành trong năm 2019 và đi vào khai thác. Với các dự án đầu tư khác trong năm 2019, Công ty tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư.

Trong quý 1 vừa rồi, KLF đã mang về gần 715 tỷ đồng doanh thu, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước do doanh thu bán hàng tăng mạnh.

Hơn nữa, Công ty báo lãi tăng đột biến, gấp gần 4 lần cùng kỳ, đạt gần 14 tỷ đồng. Chỉ trong quý 1 đầu năm, lãi sau thuế của KLF đã vượt 18% so với kế hoạch cả năm 2020.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của KLF trong kỳ ghi nhận âm hơn 186 tỷ đồng, nhưng lưu chuyển tiền thuần của doanh nghiệp vẫn ghi nhận dương gần 6,2 tỷ đồng do Công ty vay gần 194 tỷ đồng nợ ngắn hạn từ các ngân hàng.

Đến cuối ngày 31/3, tài sản của KLF tăng 15% so với đầu năm, đạt gần 2.373 tỷ đồng. Nợ phải trả của Công ty tăng 97% so với cùng kỳ, chiếm hơn 631 tỷ đồng, chủ yếu từ khoản đi vay ngắn hạn.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN