Trong nhóm này có "ông lớn" Vietcombank khi sụt gần 10% về mức 12.779 tỷ đồng. Vietcombank cũng là nhà băng tăng trích lập dự phòng trong 9 tháng tới 25% lên mức 6.033 tỷ đồng.
Còn ngân hàng suy giảm lãi ròng mạnh nhất trong nhóm này là SCB với gần 62% xuống còn 80 tỷ đồng dù nhà băng này đã giảm mạnh trích lập dự phòng tới 41% xuống còn 1.963 tỷ đồng.
Kế đến là Kiên Long Bank với mức giảm 38% xuống 116 tỷ đồng lãi ròng. Hay Saigonbank với 146 tỷ đồng nhưng lại giảm 26% so cùng kỳ.
Còn những cái tên khác cũng đi lùi lợi nhuận như BacABank (-19%), VietBank (-13,5%), Sacombank (-4%), ABBank (-3%) và Eximbank (-1%).
BIDV cũng là nhà băng ghi nhận lợi nhuận đi ngang trong 9 tháng qua, ở mức 5.501 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, SeABank và MSB là hai nhà băng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng mạnh nhất từ 53-65% khi lần lượt đạt 887 tỷ và 1.328 tỷ.
Trong khi 2 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là Vietcombank và BIDV ở thế đi lùi và không tăng trưởng thì đổi lại VietinBank lại ghi nhận mức tăng lợi nhuận tới 22% lên 8.323 tỷ đồng.
Còn Techcombank cũng vượt cả lợi nhuận của VietinBank khi đạt 8.372 tỷ, tăng gần 91% so cùng kỳ.
Xét về giá trị tuyệt đối, Vietcombank vẫn là nhà băng duy nhất ghi nhận lợi nhuận ở hàng chục ngàn tỷ đồng, dù giảm nhưng vẫn cách xa những gương mặt tăng trưởng như Techcombank, VietinBank và VPBank (7.517 tỷ).
Trước đó, Chứng khoán SSI cho rằng, nửa cuối năm 2020, tăng trưởng tín dụng dự báo trong khoảng 7,5%-8,5%. Đồng thời, tác động của việc cắt giảm lãi suất huy động sẽ được phản ánh rõ hơn trong nửa cuối năm nay. Ngoài ra, lợi nhuận sẽ giảm từ mức cao trong nửa cuối năm 2019 do nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng trích lập dự phòng.