Điểm danh hàng loạt dự án lãng phí vốn, thua lỗ lớn

Có 6 dự án, nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ, gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón, Công ty TNHHMTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Nhà máy thép Việt Trung.
Nhiều hạn chế
Theo báo cáo, để đảm bảo nguồn bù đắp bội chi và trả nợ gốc của ngân sách Trung ương theo dự toán, đầu tư cho các chương trình, dự án, chi trả nợ (gốc và lãi) đúng hạn và đầy đủ, Chính phủ đã phát hành 244,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn từ 5 năm trở lên (kỳ hạn phát hành bình quân là 12,74 năm, lãi suất bình quân là 5,98%/năm), giải ngân khoảng 3,5 triệu USD vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Cơ cấu danh mục trái phiếu Chính phủ đã được cải thiện cả về kỳ hạn và lãi suất, góp phần tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước, giảm đáng kể áp lực về nợ công so với các năm trước, theo đánh giá của Chính phủ.
Đến ngày 31/12/2017, dư nợ công bằng khoảng 61,4% GDP, nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP, nợ Chính phủ bảo lãnh 9% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 49% GDP, trong phạm vi giới hạn Quốc hội cho phép, Chính phủ khẳng định.
Báo cáo cũng nêu những tồn tại, hạn chế, như việc sử dụng vốn vay cho đầu tư còn chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao. Các dự án được điểm danh là tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông hay tuyến tàu điện ngầm số 2 Tp.HCM.
Một số dự án vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay cũng được nêu tên. Đó là dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam của Tổng công ty Giấy Việt Nam; Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy.
Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông nhiều lần được "nêu gương" lãng phí. 
Hạn chế nữa được nhắc đến là quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập, còn thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ. Chẳng hạn, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam có 4 dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA theo hình thức cho vay lại, phải chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án. Gồm dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án xây dựng đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi).
Chính phủ cũng nhìn nhận, giải ngân vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài của Chính phủ còn chậm do công tác giao kế hoạch vốn còn chưa sát với thực tiễn tiến độ thực hiện dự án, nhiều đợt điều chỉnh vốn dự toán được giao dẫn đến nhiều bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư dự án gặp khó khăn trong giải ngân vốn vay nước ngoài. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ vẫn chỉ tập trung vào các sản phẩm trái phiếu truyền thống, chưa có thêm sản phẩm để đa dạng hóa thị trường.
Chỗ mất vốn, nơi thua lỗ
Như mọi kỳ, bức tranh doanh nghiệp nhà nước trong báo cáo không mấy sáng sủa.
Kỳ này, Chính phủ nêu, tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn còn cao. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa phát huy vai trò nòng cốt trong khu vực kinh tế Nhà nước, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp.
Chẳng hạn, tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có một số khoản đầu tư không được điều tra, khảo sát kỹ dẫn đến lỗ, mất vốn 380,82 tỷ đồng, gồm Công ty Southern Mining Co.,Ltd 77,67 tỷ đồng, Công ty liên doanh khai khoáng Stung Treng 111,95 tỷ đồng; Công ty liên doanh Alumina thăm dò mỏ Bauxite 184,78 tỷ đồng, Công ty TNHH Vinacomin khai thác mỏ muối 37,9 tỷ đồng, dựn án Mỏ sắt Phu Nhuon 69 tỷ đồng.
Chính phủ nhận xét, một số bộ, ngành, địa phương còn bị động, chưa quyết liệt, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước của cả nước. Công tác cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu, tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa còn cao. Việc bàn giao các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước còn chậm.
Đáng chú ý, công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa chưa thực hiện nghiêm túc (có 747 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán), ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường cũng như công tác giám sát, đánh giá hiệu quả sản xuất.
Công tác xử lý đối với 12 dự án yếu kém ngành công thương có kết quả bước đầu, nhưng còn nhiều khó khăn.
Cập nhật đến tháng 3/2018 , báo cáo nêu có 6 dự án, nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ, gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón, Công ty TNHHMTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Nhà máy thép Việt Trung.
3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn là dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.
3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn gồm nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ.
Theo VnEconomy

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN