Cuối tháng 12/2019, một loại virus lạ từ chợ hải sản ở Vũ Hán, Trung Quốc đã khiến 6 người tử vong và hơn 300 người nhập viện. Tới ngày 2/2, đã có gần 14.000 ca nhiễm, 304 người tử vong.
Các nhà khoa học phát hiện ra đó là một loại virus mới thuộc nhóm corona, chuyên gây bệnh hô hấp ở cả người và động vật. Vì là một loại virus mới, hiện chưa có vaccine cho virus corona. Có thể cần thời gian để phát triển vaccine cho loại virus từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Có thể thấy, dịch bệnh này có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của Trung Quốc, không những vậy nền kinh tế của Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng.
Trong một báo cáo gần đây của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), công ty chứng khoán này cho biết du lịch và các ngành liên quan chịu tác động tiêu cực nhất.
Với các nước như Việt Nam, Philippines và Thái Lan, sự sụt giảm khoảng 20% lượng du khách từ Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến 0,6-1,3% GDP.
|
Nguồn: BSC |
Là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam với hơn 5,8 triệu lượt, chiếm hơn 32% tổng lượt khách quốc tế năm 2019. Thiệt hại rõ rệt nhất trong ngắn hạn là ngành du lịch. Đặc biệt những khu vực mà lượng khách đến từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn công suất lấp đầy như Nha Trang, Đà Nẵng, Vân Đồn,…
Đánh giá về thị trường chứng khoán trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, BSC cho rằng, thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều đợt dịch bệnh lớn. Trung bình trong khoảng thời gian dịch bắt đầu bị kiềm chế, thị trường chứng khoán thế giới thường tăng lại mạnh.
Trung bình 0,4% sau 1 tháng; 3,08% sau 3 tháng và 8,5% sau 6 tháng. BSC nhận định, trung hạn, dịch bệnh là cơ hội.
Theo nhận định của BSC, dịch bệnh thực ra giống đầu tư ở chỗ đều là cuộc chiến lâu dài. Những phiên đầu tiên sau nghỉ lễ xác suất cao là thị trường giảm điểm tương đương các thị trường chứng khoán khác.
Đối chiếu với dịch SARS tương tự, thì còn trong khoảng 3 tháng đến khi dịch bệnh tạo đỉnh và bắt đầu được khống chế. Trong thời gian này thị trường chứng khoán thường phản ứng thất thường và giảm điểm.
|
Sau dịch bệnh, TTCK lại tăng mạnh. Nguồn: BSC |
Dịch bệnh làm ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế của nước đó, gián tiếp ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Dựa trên lịch sử các đợt dịch bệnh và phản ứng của thị trường chứng khoán, BSC khuyến nghị nhà đầu tư hạ đòn bẩy với các nhà đầu tư đang nắm nhiều cổ phiếu, nhưng không bán hoảng loạn bằng mọi giá.
Theo nhận định của BSC, một số cổ phiếu và ngành cần thận trọng như: Ngành hàng không (cổ phiếu HVN, VJC, các cổ phiếu liên quan đến công ty hàng không), Ngành dầu khí (do nhu cầu giảm).
Cụ thể, BSC phân tích trong ngắn hạn, các ngành hàng hoá như thuỷ sản, cao su được dự báo sẽ chịu nhiều gặp khó khăn khi nhu cầu giảm do dịch bệnh, đồng thời, việc giao thương hàng hoá bị ách tắc nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Với lĩnh vực cao su, Trung Quốc vốn là đối tác chiếm đến 60% tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam nên khi các nhà máy trì hoãn hoạt động sản xuất do dịch bệnh sẽ ảnh hưởng xấu đến nhóm doanh nghiệp chế biến cao su như Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), Phước Hoà (PHR) hay Đồng Phú (DPR),…
Với lĩnh vực thuỷ sản, BSC cho rằng, ANV với 35,5% thị giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, IDI có 45% sẽ bị tác động lớn nhất, ngoài ra, Vĩnh Hoàn (VHC) cũng sẽ gặp khó khi có 16% giá trị xuất khẩu sang thị trường này.
Cùng với đó, lĩnh vực như cảng biển và vận tải biển cũng được cho là gặp khó bởi dịch bệnh sẽ khiến việc kiểm soát giao thương với Trung Quốc sẽ chặt chẽ hơn, làm chững lại lượng hàng thông cảng Việt Nam trong ngắn hạn.
Với các doanh nghiệp tại cụm cảng Hải Phòng như Gemadept (GMD), VSC, DVP, HAH, BSC dự báo sẽ khó khăn nhiều nhất khi mà 40% lượng hàng tại đây xuất khẩu sang Trung Quốc và cung đang vượt cầu khoảng 20%.
Trong trung hạn, các doanh nghiệp bất động sản du lịch sẽ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu cho thuê bất động sản du lịch và condotel đặc biệt tại các tỉnh như Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận – Ninh Thuận, Hạ Long sẽ sụt giảm do dịch bệnh.
Theo đó, BSC lưu ý các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng mạnh như Tập đoàn CEO, Novaland (NVL), NDN, FLC, PDR, VIC, FLC,…
Theo BSC, Việt Nam đón khoảng 5,8 triệu khách Trung Quốc mỗi năm và mức chi tiêu bình quân khoảng 100 USD/người/ngày. Việc khách hàng Trung Quốc giảm cũng khiến cho hoạt động của các đơn vị bán lẻ như MWG, PNJ hay Vinamilk cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Một lĩnh vực duy nhất theo BSC là sẽ hưởng lợi từ dịch bệnh đó chính là lĩnh vực sản xuất chế biến dược phẩm. Trong đó, các đơn vị sản xuất nhóm kháng sinh như Dược Hậu Giang (DHG), Dược Hà Tây (DHT), Imexpharm (IMP) hay nhóm sát trùng như Dược Bình Định (DBD), OPC sẽ hưởng lợi khi nhu cầu tăng lên.
|
Cổ phiếu ngành hàng không sụt giảm trong mùa dịch bệnh? |
Thực tế, phiên giao dịch ngày 31/1, hầu hết các cổ phiếu ngành hàng không đã "đồng thuận" giảm sâu. Ghi nhận mức giảm lớn nhất là cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines với 7%, vốn hoá thị trường "bốc hơi" 3.200 tỷ đồng; cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam giảm 5,3%, tương đương mất 8.000 tỷ đồng vốn hoá; cổ phiếu FLC - công ty mẹ của Bamboo Airways cũng giảm hơn 5%; VJC của Vietjet Air có mức giảm nhẹ nhất 4,4%.
Tương tự, cổ phiếu các doanh nghiệp dịch vụ hàng không khác như Sasco, CIAS, Taseco Air (AST) cũng giảm.
Trái với diễn biến "đỏ lửa" trên, cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang ghi nhận mức tăng 5,7% lên 93.000 đồng/cp; IMP của Imexpharm tăng 2,6%; DCL của Dược Cửu Long tăng 3,4%...
Đáng chú ý, trong nhóm này có những cổ phiếu đã tăng kịch biên độ như DVN của Dược Việt Nam (14,9%); cổ phiếu CDP của Dược phẩm Trung ưng Codupha (14,9%); HDP của Dược Hải Dương cũng trần; JVC sau chuỗi ngày dài làm cổ phiếu "trà đá" nay cũng tăng trần 7% lên 3.250 đồng/cp.